bò rừng giờ đã trở lại với Đại Bình Nguyên. Duy có dân Anh-điêng là ra đi vĩnh
viễn.
Các phong trào thảm khốc như Ghost Dance là những tiếng lòng mong mỏi
sự khổ đau sẽ kết thúc. Sự thật là hồi kết đó đã chẳng bao giờ đến nhưng nó cũng
không giết chết được nỗi khao khát cháy bỏng. Chúng ta tìm thấy nó trong tôn
giáo của một chủng tộc bị ngược đãi khác của Hoa Kỳ, những người Mỹ gốc Phi.
Họ đã bị lôi ra khỏi chốn quê nhà rồi chuyển đi hàng ngàn cây số trên đại dương
để đến phục vụ nhu cầu của các chủ nô lệ Kitô hữu. Một trong những trớ trêu của
lịch sử tôn giáo là đức tin Kitô do dân nô lệ tiếp nhận từ chủ nhân còn đúng với
nguyên bản hơn bất cứ tín điều nào các ông chủ của họ có thể biết được.
Do Thái giáo đã khởi nguồn là tôn giáo của dân nô lệ. Lời phán cho Moses
từ trong bụi cây bốc cháy đã bảo ông phải giải thoát con dân của ngài khỏi Ai
Cập và dẫn họ đến Miền Đất hứa. Làm sao một chủ nô có thể phản hồi một cách
đồng cảm với điều ấy? Nhưng thử tưởng tượng bạn là một nô lệ nghe được câu
chuyện đó lần đầu. Bạn đang nghe chuyện về chính mình! Chuyện đó nói về bạn!
Bạn sẽ hiểu nó theo cách mà tên cai ở vị trí chực quất roi vào lưng bạn sẽ không
bao giờ hiểu được, dù hắn ta có hát lên bao nhiêu bài thánh ca trong nhà thờ trắng
tinh vào mỗi ngày Chủ nhật. Do Thái giáo là tín ngưỡng của một dân tộc đã
mong mỏi được tự do thoát khỏi xiềng xích. Do đó, họ đã tự tạo nên tôn giáo của
chính mình. Rồi họ hát những bài ca về nó.
Hãy xuống đó, Moses,
Tận vùng đất Ai Cập kia,
Bảo với lão Pharaoh già nua ấy,
Để con dân ta ra đi.
Kitô giáo cũng bắt đầu như một phong trào giải phóng. Giê xu là đại diện
của Thiên Chúa trên Trái đất để mang đến một vương quốc chưa từng có tiền lệ
trong lịch sử. Vương quốc ấy sẽ làm cho các thế lực vĩ đại phải rời bỏ ngôi vị,
đồng thời tôn vinh những kẻ hèn mọn và hiền lành. Nó sẽ thay thế đường lối áp
bức bằng con đường công chính. Nó sẽ chữa lành những người bệnh tật cũng như
giải phóng các tù nhân. Và vương quốc ấy sẽ do một Đấng Cứu Thế mang tới, vị