Daisy không phải là loài sinh vật duy nhất trong lịch sử đã phát triển
HADD. HADD đã ảnh hưởng đến hầu hết nhân loại qua hàng thế kỷ nay. Tôn
giáo bảo con người rằng thế giới là do các thế lực siêu nhiên chứ không phải các
quy luật tự nhiên điều khiển; từ đó mà ta có từ mê tín để chỉ niềm tin rằng mọi
thứ có thể xảy ra do phép thần thông chứ không có nguyên nhân tự nhiên nào cả.
Lối nghĩ đó bắt đầu thay đổi vào thế kỷ 17 trong thời kỳ Khai sáng, khi khoa học
bắt đầu thay thế mê tín dị đoan và trở thành cách giải thích tốt nhất cho mọi sự
đang diễn ra trong thế giới. Mọi thứ đều có căn nguyên tự nhiên của nó. Mọi thứ
đã xảy ra đều có một lý do nào đó. Khẩu hiệu của thời kỳ Khai sáng là “Dám
biết”. Đừng quy phục thói mê tín. Dám tìm biết nguyên nhân thực sự của mọi
thứ. Một trong những hệ quả của thời kỳ Khai sáng này là việc nới lỏng sự kìm
hãm mà các cách giảng giải theo lối siêu nhiên đã áp đặt với đầu óc con người.
Ánh sáng được khỏi lên trong tâm trí loài người và họ bắt đầu biết tư duy độc lập.
Nếu tinh thần dám tìm tòi cách vận hành của giới tự nhiên là một trong
những động lực thúc đẩy thời kỳ Khai sáng thì một động lực khác là cảm giác
ghê sợ thứ bạo lực tôn giáo đã diễn ra qua bao thế kỷ. Mê tín đã là dở. Chiến
tranh còn tệ hơn. Các nhà tư tưởng của thời kỳ Khai sáng nhận thấy các tôn giáo
luôn bất đồng với nhau ra sao. Bên nào cũng tin mình nắm giữ chân lý do Thiên
Chúa mặc khải, còn các tôn giáo khác là sai. Và khi tôn giáo nào nắm quyền cai
trị một quốc gia thì nó sẽ cố bắt người dân phải nhịp bước đều theo tiếng trống họ
đánh. Chuyện đó không hay ho gì. Kinh khủng hơn là khi chỉ có hai tôn giáo
trong cùng một lãnh thổ cạnh tranh với nhau. Họ lúc nào cũng tranh cãi dữ dội,
như trường hợp châu Âu thời Kháng Cách vậy. Tuy nhiên, nếu có ba mươi tôn
giáo cùng lúc thì tất cả họ lại có vẻ chung sống hòa bình!
Từ đó, các nhà khai sáng rút ra được hai kết luận. Một là càng có nhiều tôn
giáo trong một xã hội thì xã hội đó càng an toàn hơn cho mọi người. Vì vậy, cách
bảo đảm hòa bình tốt nhất là hãy nghiêm cấm tình trạng phân biệt đối xử, đồng
thời thực thi tinh thần khoan dung. Hai là một khi tôn giáo đã được chấp nhận
trong xã hội thì người ta cũng không nên trao cho nó quyền điều khiển xã hội.
Thẩm quyền của giới lãnh đạo tôn giáo nên được giới hạn trong phạm vi cộng
đồng giáo dân của họ thôi.