LƯỢC SỬ TÔN GIÁO - Trang 28

Và trong kinh Rig Veda, Ấn Độ giáo bắt đầu trả lời câu hỏi cái gì ở ngoài

kia. Để nghe được nó, chúng ta cần tưởng tượng mình đang hạ trại bên đống lửa,
dưới bầu trời đầy sao của Bắc Ấn, khi một trong các vị hiền triết không tên đi
xuyên qua thời gian về lại thời khởi thủy của thế giới và hơn thế nữa. Vị ấy
không hẳn đang nói mà đang hát tụng trong khi đưa mắt nhìn sâu vào màn đêm.

Thủa ấy, chẳng có không-tồn-tại hay tồn-tại: chẳng có tầng không hay vòm trời xa xăm.

Chỉ Cái Độc Nhất đó, không có hơi thở, vẫn sống đời tự nó: ngoài ra chẳng có bất cứ thứ gì.

Các thần linh cũng chỉ xuất hiện sau này. Vậy thì, ai biết được thế giới từ đâu mà có?

Đấng ấy, người đến trước trong tạo hóa, chính ngài gây thành tất cả hay chẳng cất tay.

Đấng trị vì dõi mắt từ tầng trời cao nhất kia, ngài ắt biết cơ sự, mà có thể cũng chẳng hề hay.

Nội dung lời hát tụng trên chứa đựng những điều đáng ngạc nhiên. Cũng có

“các thần linh” như chúng ta vẫn được kể, tuy vậy họ “cũng chỉ xuất hiện sau
này”. Nghĩa là các vị thần, cũng như chúng ta, được tạo tác mà ra và cũng chịu sự
chi phối của vòng thời gian luân hồi. Thần cũng đến và đi như ta vậy. Rồi người
mộng tưởng này còn ám chỉ rằng đằng sau tất cả những vận đổi sao dõi đó có một
thứ vẫn không đổi thay, gọi là “Cái Độc Nhất đó”. Cứ như cả lịch sử và mọi tạo
vật trong đó chỉ như những màn sương mù bao phủ làm khuất lấp sự hiện diện
của một ngọn núi sừng sững vĩ đại: Cái Độc Nhất đó! Nhưng nó là cái gì vậy?
Các vị thần do nó phái đến là những ai?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.