LƯỢC SỬ TÔN GIÁO - Trang 31

cấp bằng cách nói đó là sự sắp xếp theo ý của đấng Thực tại Tối cao và có một
bản kinh mô tả nguồn gốc việc đó.

Brahman đã ủy thác nhiệm vụ tạo ra thế giới này cho một vị thần gọi là

Thần Sáng tạo (Brahma). Vị này tạo ra người đàn ông đầu tiên, gọi là Manu, và
người phụ nữ đầu tiên, gọi là Shatarupa. Từ đó, nhân loại ra đời. Thế nhưng con
người không được tạo ra bình đẳng với nhau mà có bốn đẳng cấp, tương ứng với
tầm quan trọng giảm dần: Cao nhất là các Bà la môn (Brahmin), những tu sĩ và
giáo sĩ; kế đến là các Sát đế ly (Kshatriya), hàng vua chúa quý phái và các tướng
lĩnh, chiến sĩ; dưới họ là Vệ xa (Vaisyas), gồm các thương gia, chủ điền và thợ thủ
công; dưới cùng là Thu đà la (Sudra), những kẻ hầu hạ và lao động chân tay.
Người Bà la môn có nước da trắng, Sát đế ly thì gắn với màu đỏ, Vệ xa gắn với
màu vàng, còn Thu đà la màu da đen. Và tận cùng, bên dưới cả bốn đẳng cấp trên
là giai cấp bị coi như đời đời không trong sạch, chuyên dọn dẹp nhà xí và các
việc dơ bẩn khác. Họ là những kẻ “tiện dân”, đến cái bóng của họ đi đến đâu
cũng sẽ làm ô uế đến đó. Đó là một hệ thống khắc nghiệt và vững chắc, tuy niềm
tin vào nghiệp và luân hồi tái sinh cũng phần nào làm giảm sự khổ đau trong đó.
Lang thang trôi nổi trong các cõi sống do nghiệp định sẵn, con người luôn có thể
hy vọng rằng bằng cách sống tốt, họ có thể cải thiện vị trí của mình ở kiếp kế
tiếp.

Tuy vậy, thế giới với các đẳng cấp cùng vô số dạng sống khác nhau không

phải là cách duy nhất Brahman thể hiện mình. Ngài còn tạo ra các thần linh, hàng
triệu vị thần. Đó cũng là một cách khác để Đấng Vô Hình khoác lên các hình
dạng phong phú. Chúng ta cũng nên thận trọng khi nhìn nhận các vị thần đó. Bề
ngoài thì ta hay nói Hindu giáo là tôn giáo đa thần, nghĩa là họ tin vào nhiều vị
thần; nhưng cùng lúc nói Hindu là tôn giáo độc thần cũng không sai vì bấy nhiêu
vị thần đều được cho là những khía cạnh hay biểu hiện của cùng một Đấng mà
thôi. Rồi ngay cả ý tưởng về “một Đấng” cũng không hẳn chính xác. Trong niềm
tin của Hindu giáo, đằng sau tất cả các nhân vật huyễn ảo đổi thay vụt qua trong
cuộc đời - tính cả các “vị thần” - là một Thực tại Tối cao, chính là “Cái Độc
Nhất” mà Áo Nghĩa Thư mô tả. Nếu bạn hứng thú với các thuật ngữ, niềm tin này
có thể hiểu là thuyết Nhất nguyên (monism), nghĩa là niềm tin vào “một-thứ” chứ
không hẳn là “một-thần”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.