truyền thống của Kỳ-na giáo, hai mươi bốn vị jina, nghĩa là “người chiến thắng”,
đã chinh phục được các ham muốn của mình để đạt đến trạng thái giác ngộ. Họ
còn được biết đến như là các tirthankara, nghĩa là “những người vượt qua”, vì họ
có khả năng dẫn dắt các linh hồn băng qua dòng sông sinh tử luân hồi để đến
được bờ cứu rỗi bên kia. Vị cuối cùng trong số các tirtharikara ấy thường được
cho là người sáng lập của Kỳ-na giáo có tên là Vardamana, dù ngài còn được gọi
là Mahavira, tức “anh hùng vĩ đại”. Lịch sử cho ta biết ngài sinh vào khoảng năm
599 TCN ở lưu vực sông Hằng phía Đông Ấn Độ, cũng là vùng hoàng tử
Siddhartha Gautama được sinh ra, sau trở thành Phật.
Ngoài vị trí địa lý và niên đại, Mahavira có nhiều điểm chung khác với Đức
Phật. Ngài cũng là một hoàng tử. Ngài cũng đau đáu với vấn đề khổ đau và
nguyên nhân gây khổ. Ngài cũng đã từ bỏ cuộc sống phú quý để đi tìm giác ngộ.
Và cũng như Phật, ngài thấy ham muốn là gốc rễ của khổ đau. Con người đau
khổ vì họ thèm khát những cái họ không sở hữu; rồi ngay khi có được cái họ say
mê, họ lại khao khát cái khác nữa. Các ham muốn gây ra khổ đau như vậy nên chỉ
có sự đoạn diệt ham muốn mới có thể cứu được chúng ta. Cách Mahavira tiến
hành dập tắt ham muốn đã cho thấy ngài là một nhân vật quyết liệt đến thế nào.
Ngài cho rằng để thoát khỏi bánh xe luân hồi, chỉ có cách tránh ác, làm thiện.
Cũng giống Phật, ngài thích đưa ra các danh sách và đã cô đọng phương pháp của
mình thành Năm Điều Răn, hay Ngũ giới: không giết hay làm hại bất cứ sinh linh
nào; không trộm cắp; không nói dối; không tà dâm, phóng túng; không tham đắm
thứ gì.
Nhìn thoáng qua thì những giới luật trên không có gì mới. Nhiều hệ tôn giáo
khác cũng liệt kê những điều tương tự. Điểm đặc trưng của Kỳ-na giáo là mức độ
sâu xa mà Mahavira yêu cầu đối với việc thực hành giới không giết hay làm hại
các sinh linh khác. Ahimsa, tức “bất hại”, là điểm chính trong giáo thuyết của
ngài. Ngài xem nó là một giới luật tuyệt đối và phổ quát. Chỉ bằng cách thực
hành bất hại một cách triệt để, những người tìm kiếm sự cứu chuộc mới có thể
thay đổi dòng nghiệp đã kẹp chặt họ vào vòng luân hồi.
Các vị tăng, ni theo Kỳ-na giáo sẽ không làm hại hay giết bất cứ thứ gì! Họ
không giết thú vật để lấy thức ăn, cũng không săn bắn hay câu cá. Ngay cả việc
đập con muỗi đang đốt vào má hay con ong đang chích vào cổ, họ cũng không