hệ quả của các hành động của mình. Mỗi lựa chọn đều góp phần hình thành nên
nhân cách của họ và cuối cùng, họ sẽ chịu sự phán xét cho kiểu người mà họ đã
trở thành. Sau khi chết, mỗi linh hồn sẽ băng qua một cây cầu gọi là Cầu Phán
Xử để đến với một định mệnh đã được dọn sẵn cho họ. Cây cầu hẹp như một lưỡi
dao. Ở xa bên kia là Thiên đường, còn dưới cầu là Địa ngục. Nếu linh hồn đã tự
khiến mình trở nên nặng nề với những điều xấu ác, nó sẽ bị roi khỏi cầu và xuống
Địa ngục; còn không, linh hồn nhẹ bỗng với sự thiện lành đến mức có thể nhảy
múa tiến vào cõi Thiên đường.
Ngay cả như vậy cũng chưa phải là yếu tố kịch tính nhất trong các khải
tượng của Zoroaster về hồi kết. Bản thân vấn đề về sự tồn tại của cái ác vẫn phải
được giải quyết, chính cái ác đã kéo các linh hồn roi khỏi cây cầu dẫn đến Thiên
đường. Giải pháp Zoroaster đưa ra được gọi là “lượt sáng thế cuối cùng”, đó là
khi cuối cùng, Đấng Toàn Tri quyết định hủy diệt đứa con quỷ quyệt, nguồn gốc
của cái ác. Thế giới sau đó sẽ được tái thiết, cái tốt và công lý rốt cuộc được lan
tỏa. Một vị cứu tinh, gọi là một saoshyant hay “người có ích”, sẽ xuất hiện. Bằng
khả năng của mình, vị đó sẽ đánh bại cái ác vĩnh viễn và theo đó, thế giới được
phục hồi.
Giáo lý của Zoroaster không chỉ sống động và đáng sợ mà còn có sức ảnh
hưởng to lớn. Nó mang lại một số chủ đề mới vào thế giới tôn giáo. Thông qua
nó mà lần đầu tiên ta tìm thấy ý tưởng về sự phục sinh của cá nhân, hoặc là vào
Thiên đường hưởng phúc, hoặc là xuống Hỏa ngục chịu đọa đày. Ta cũng lần đầu
khám phá ra ý tưởng về một trận chiến vĩ đại vào hồi kết, khi mà Đấng Toàn Tri
gửi vị cứu tinh đến đánh tan phe xấu ác và thiết lập một thế giới ngay thẳng và
công bình. Ta vốn đã nhận ra Daniel áp dụng chính những ý tưởng này khi cố
gắng động viên dân Israel đang khổ đau, các ý tưởng có lẽ đã được dân Do Thái
học hỏi trong giai đoạn bị đày ải ở Ba Tư. Điều này nhắc ta nhớ rằng các tôn giáo
thật ra không tách biệt hẳn với nhau mà vẫn có nhiều sự trao đổi qua lại.
Zoroaster vấp phải sự chống đối nhưng ông cũng được ủng hộ và thành
công. Những lời dạy của ông được tập hợp thành kinh thiêng gọi là Kinh Avesta
hay cổ kinh Ba Tư. Và quá trình chuyển tư tưởng dị giáo thành chính thống bắt
đầu. Tín đồ Hỏa giáo không tin vào các ảnh tượng, nhưng họ vẫn có biểu tượng
riêng cho Đấng Toàn Tri, đó là lửa. Họ giữ một ngọn lửa thiêng được thắp sáng