Mazda, đồng thời ông cũng khám phá ra sự phức tạp của cuộc đời đấng Thiên
Chúa duy nhất ấy. Lúc đầu, Đấng Toàn Tri có hai người con song sinh khác trứng
và ngài cho phép họ được chọn con đường riêng cho mình. Một người chọn cái
tốt đẹp. Người kia chọn điều xấu ác. Một người chọn sự thật. Người kia chọn dối
trá. Vậy là cả thế giới và từng cá nhân sống trong đó trở thành một đấu trường
cho một cuộc chiến kịch tính giữa thiện và ác, nơi hai người con trai đó tranh đấu
với nhau để giành lấy mỗi cá nhân về phe họ. Giống như hai người bọn họ, ta
cũng phải quyết định mình về phe nào.
Việc Zoroaster đẩy cuộc đấu tranh thiện-ác trở lại cuộc đời của Chúa thật ra
không giải quyết được vấn đề mà ông từng trăn trở. Một sự giải thích đầy đủ hẳn
sẽ phải hỏi Đấng Toàn Tri tại sao ngài chọn tạo ra cái ác ngay từ đầu và khiến các
con ngài phải chọn theo hướng đó. Tuy vậy, điều mà Zoroaster đã làm được rất
tài là kịch tính hóa tình huống mà ai trong chúng ta cũng có thể thấy mình trong
đó. Như một tiểu thuyết gia lỗi lạc, ông mô tả đời người như một chuỗi các trận
chiến và những đấu tranh về luân lý của mỗi người góp phần tạo ra ngôn ngữ
riêng cho cuộc chiến đó. Chúng ta chiến đấu với những ham muốn. Ta đấu tranh
chống lại các cám dỗ. Ngay cả ý tưởng về một thực thể tâm linh của cái ác cũng
có thể có lý. Có những tư tưởng có thể xâm nhập vào đầu óc người như một loại
virus và thúc đẩy tâm trí dẫn đến các hành động tồi tệ. Phân biệt chủng tộc là một
ví dụ rõ ràng, bên cạnh nhiều ví dụ khác.
Tuy nhiên, Zoroaster không chỉ là một nhà soạn kịch phản ánh những trải
nghiệm của con người. Tương tự Daniel, ông là một nhà tiên tri khải huyền nhìn
thấu tương lai đến tận lúc Chúa đưa câu chuyện của cả thế gian đến hồi kết.
Những cuốn sách hay đều cần một chương cuối để thắt nút mọi đầu mối còn đang
để mở và đạt đến một cách giải quyết thỏa đáng. Động lực đó rất mạnh mẽ trong
các tôn giáo coi lịch sử như một mũi tên, không phải một vòng tròn: lịch sử là
một câu chuyện có mở bài, thân bài và kết bài, chứ không phải là một vòng quay
vô tận.
Zoroaster không tin cái thiện và cái ác sẽ cứ đấu nhau mãi. Sẽ có một cuộc
định đoạt sau cuối. Đấng Toàn Tri tạo ra thiện và ác là để chúng ta tự do lựa chọn
số phận và thời điểm của chính mình. Và Ngài không thờ ơ với các lựa chọn đó.
Bi kịch của những kẻ chọn cái ác là họ nhìn không đủ xa về trước để lường được