Loài chó chỉ nhận biết thế giới xung quanh qua các màu xám, nâu sẫm và
xanh lá, nên khả năng ngôn ngữ của chúng cũng có giới hạn. Nhưng thế là
tốt rồi, anh nói, vẻ hài lòng. Bây giờ anh ra đi, bỏ lại cho tôi con chó từng
mất bao công huấn luyện, con chó mà anh đã nuôi dạy suốt mười lăm năm,
đã ở với anh từ khi chúng tôi còn chưa quen biết. Hồi quyết định chia tay,
chúng tôi chia đồ đạc kiểu được chăng hay chớ, mọi chuyện đều rất đơn
giản, đặc biệt là vấn đề ai nuôi Paulie. Bởi, cô ta không thích chó.
Chúng ta bị ruồng bỏ, mày và tao. Tôi quỳ xuống nền nhà, muốn cụng
nhẹ mũi vào Paulie và hỏi nó, Từ nay mày sẽ chăm sóc tao, phải không?
Hơi nóng thình lình trào lên từ sâu trong tôi. Tôi lấy mu bàn tay quệt mặt và
rồi, như một kẻ quẫn trí, bắt đầu sờ nắn những ngón tay, chân, và mũi mình,
một cách thận trọng, nghiêm túc. Những bộ phận thân thể nổi lên, như mũi
và ngón tay, là những nơi dễ hao mòn nhất. Cho dù không hoàn hảo, các
chỗ trên người tôi vẫn ở đúng vị trí, các ngón tay ngón chân vẫn cử động
linh hoạt. Bây giờ mà tôi đầu hàng sự mềm yếu, hay buông xuôi trước sức
nặng của nỗi buồn rầu, cơ thể tôi sẽ lại run rẩy vì một cảm giác đau đớn mới
– giống như một giọt nến thình lình nhỏ xuống da – hay vì một niềm vui
rộn ràng, thậm chí còn khó cưỡng hơn nữa nếu chẳng may tôi khám phá ra.
Tôi chưa bao giờ hình dung được cảm giác bị ruồng bỏ là như thế nào.
Tôi hiểu rằng mình cần nhận biết nỗi đau, tìm hiểu lý do đằng sau và buộc
mình phải bước ra khỏi nó. Mắt tôi long lanh, phản chiếu trên kính cửa sổ
phòng khách, làn da căng lại và cơ bắp săn lên như khi chế biến một món
ăn ngon miệng tuyệt đẹp. Giống nút bần, tôi đã nhẹ nhàng nổi trở lại trên
mặt nước. Và để đẩy lui nỗi sợ hãi đang treo lơ lửng sẵn sàng khống chế tôi
bất cứ lúc nào, tôi cất tiếng, lớn hơn mức cẩn thiết, gọi Paulie: Đi dạo nhé,
Paulie?