III. Đạo kinh doanh của người Việt
Cách đây ngót một thế kỷ, Lương Văn Can khẳng định: nhà buôn cần
có đủ thương đức thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới.
“Thương đức, thương tài” - hai chữ đó đã gói trọn một triết lí về đạo
kinh doanh mà cụ cử Can muốn cùng chia sẻ với những người trong
thương giới. Và có thể nói, Lương Văn Can chính là người đặt nền
móng xâydựng Đạo kinh doanh cho người Việt.
Mỗi nghề đều có một cái “Đạo”, hay nói cách khác là một triết lý riêng cho
nghề. Làm nghề buôn bán, ấy là nghề làm giàu không chỉ cho bản thân mà
cho cả xã hội. Nghề buôn bán trong buổi đầu được cổ súy, cũng rất cần có
một cái Đạo. Vào buổi đầu manh nha ấy, thương giới Việt quả là đang mò
mẫm để hình thành nên những quy tắc hành xử - cái “Đạo” chung - cho
nghề này.
Trong dòng chảy của lịch sử, Lương Văn Can được coi như người thày đầu
tiên của giới doanh thương. Cụ không chỉ gắn bó với thương giới trong
phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục khi cùng các chí sĩ soạn sách cổ vũ nghề
buôn mà trong thời gian đi đày ở Nam Vang, cụ vẫn sưu tầm, học hỏi thêm
về kinh nghiệm buôn bán của các nước tiên tiến, tích lũy những kiến thức
về đạo kinh doanh của thế giới để rút ra một cái “đạo” kinh doanh phù hợp
với hoàn cảnh của người Việt. Sự buôn bán thành công của cụ Lương cũng
như một dịp để cụ thực hành những gì mà cụ đã chiêm nghiệm về nghề
buôn. Có thể nói, Lương Văn Can là một nhà kinh doanh thành công nhờ có
“đạo” đồng thời là một trí thức yêu nước, một nhà giáo, nên cụ cảm thấy
cần phải có trách nhiệm sẻ chia cái “đạo” này đến với rộng rãi những người
làm nghề kinh doanh.