mà trộn thêm dầu vào, bán thuốc mà đổi thứ khác vào” - đó là cách kiếm lời
không bền và sớm muộn sẽ bị loại bỏ khỏi thương trường.
Lương Văn Can cũng bày tỏ quan điểm không được coi đồng tiền làm
mục đích duy nhất trong kinh doanh: vì nếu tham lợi sẽ nảy sinh những
mánh trá, thiệt hại tới người tiêu dùng và lâu dài thì đó là hành động hủy
diệt chính mình. Trong việc buôn bán, không phải bao giờ cũng chăm
chắm vào mối lợi cho mình mà phải biết nghĩ đến cái lợi cho người. Cụ
viết: “Việc gì có ích cho người mà không tổn đến mình thời nên vui lòng
mà làm, việc gì có ích cho người dẫu hơi tổn đến mình cũng nên miễn
cưỡng mà làm, việc gì có tổn đến mình mà không ích cho người thì quyết
không nên làm, việc gì không ích cho mình mà có tổn đến người lại
không nên làm lắm.” Cũng từ quan điểm này, Lương Văn Can khái quát
nên những “điều cấm” đối với người làm kinh doanh: “Việc gì trái cái
bụng lương tâm mình thì không nên làm, việc gì trái công lý thì không
nên làm, việc gì hại người thì không nên làm, việc gây nên ác nghiệp thì
không nên làm.”
Như vậy, kinh doanh không chỉ là thu về nguồn lợi cho cá nhân mà còn
là đem lại những lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Những quan điểm về
nghề kinh doanh của cụ có thể khái quát thành một cái Đạo: Kinh
doanh chính là phụng sự xã hội.
2. Nguồn gốc của cải phải minh bạch
Theo Lương Văn Can, của cải, tiền bạc là rất quan trọng song “nguồn gốc
phải cho trong mới được” - tức là những gì thu về từ việc buôn bán phải
chính đáng. Những của cải chính đáng thì việc chi tiêu mới đúng người
đúng việc. Ngay cả người xuất thân trong nghèo khó làm giàu cũng phải đi
bằng con đường ngay thẳng. Và người không có của cải chưa hẳn là nghèo,
nếu như trong tay họ sở hữu một cái nghề chân chính. Nghề nghiệp vững
vàng là một món của cải qúy và lâu bền.