Đến nay, sau bao biến cố của lịch sử, số sách mà cụ Cử Can viết ra đã mất
mát gần hết. Nhưng nếu nhìn lại những tựa sách của cụ trong thời kỳ cụ lưu
đày và về nước, chúng ta sẽ phải thán phục bởi sức làm việc của cụ già khi
đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”. Chỉ có niềm khao khát đóng góp cho sự
nghiệp chung của đất nước vô cùng mãnh liệt mới có thể thúc đẩy một vị
lão niên lao động hăng say đến như vậy. Ngoài 7 cuốn sách soạn trong gần
9 năm xa tổ quốc, khi trở về cụ cho ấn bản còn viết thêm một số đầu sách
như: Hiếu Kinh, Ấu học tùng đàm, Luận ngữ cách ngôn diễn giải, Luận ngữ
loại ngữ (3 tập), Quốc sự phạm lịch sử,...Sách của cụ Can được xuất bản
thời kỳ này là những loại sách dạy Hán văn, sách giáo dục nhân cách, giáo
dục gia đình, sách lịch sử và sách về kinh doanh, thương mại như đã đề cập
đến ở trên.
Trong lời giới thiệu của cuốn sách Tri thức phổ thông mới, được ấn bản sau
khi cụ Lương qua đời, nhà xuất bản cho biết đây là cuốn sách được in trong
những ngày cụ Lương lâm bệnh. Vì vậy khi in ra, Tri thức phổ thông mới
trở thành “mấy nhời di bút cụ để lại cho quốc dân ta”: “Mấy nhời tâm
huyết, một bụng nhiệt thành, người cụ tuy già mà trí chưa toại, xác cụ dẫu
nát nhưng hồn còn linh (...) Giá cụ còn thọ thêm vài năm nữa thì chắc cụ sẽ
hiến đồng bào ta trong khi còn ấu trĩ vài liều thuốc bổ khí rất cần cho ta
ngày nay.” Theo như lời giới thiệu của cuốn sách thì sau khi cụ mất, những
tác phẩm cụ viết trước đó tiếp tục được con cháu cho ấn hành, góp phần
làm phong phú thêm nền văn hóa và giáo dục của nước nhà.
Về cuối đời, trước sự trầm lắng của các phong trào đấu tranh trong nước, cụ
Cử Can cảm thấy lực bất tòng tâm, cái già đã không cho phép cụ thực hiện
những hoài bão lớn lao nữa. Nhưng trong lòng người Cách mạng lão thành
vẫn chứa chan hy vọng vào lớp hậu sinh. Ngôi nhà số 45 Hàng Đào lại là
nơi vào ra của những nhà cách mạng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc
Kháng, Đinh Chương Dương... Tài liệu của chủ nghĩa Cộng sản đã đến
được tay cụ Cử Can...