đoàn người khăn gói lên đường đi đày, một cảnh thật thê lương, nhưng phu
nhân không khóc - một biểu hiện rất thường thấy của những phụ nữ khi
chứng kiến cảnh chồng lâm nạn. Trái lại bà tỏ ra bình thản, như không hề
có chuyện gì xảy ra.
Ấn tượng về giây phút vợ chồng chia tay trong cảnh ngậm ngùi ở ga xe lửa
trước giờ lên đường đi đày đã ghi tạc trong lòng Lương Văn Can. Sau này
cụ viết lại trong Hành trạng, như để tri ân tình nghĩa vợ chồng với cụ bà:
“...đến lúc ta xuống tàu đi Nam Vang, nhụ nhân[1] cùng theo ra tiễn, sắc
mặt tịnh không có một tị nào là oán hận lo sợ, chỉ trông ta mà nói rằng:
“Ông chờ tôi với với nhớ”, không chúc thọ mà ra chúc thọ, chí tình giai lão
hiện ra nhời nói, lúc tạm phân ly, nói dẫn ngắn mà tình thì dài, có ý thay có
vị thay, ta thường nhớ mà chẳng quên.”
[1] Vợ - từ cổ
Đoàn tàu chuyển bánh, bỏ lại phía sau là người vợ tảo tần đứng lặng giữa
sân ga. Ai cũng hiểu rằng từ nay, một chặng đường mới đầy khó khăn chờ
cụ phía trước. Song điều dày vò cụ không phải nỗi thống khổ của bước
đường đi đày mà có lẽ là chuyện phải xa tổ quốc, bỏ lại một sự nghiệp cách
mạng dang dở, không được sát cánh với các đồng chí, đồng bào của mình
trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc còn vô vàn những khó khăn
trước mắt. Mười năm biệt xứ, ở tuổi cũng đã gần đất xa trời, có lẽ sự nghiệp
đóng góp cho tổ quốc đã khép lại sau lưng cụ.
***
Song, mỗi bước ngoặt trong cuộc đời dường như đều là một thử thách đối
với mỗi người. Với những cá nhân có chí khí, họ có thể xoay chuyển tình
huống, họ biết biến những yếu tố bất lợi thành một thời cơ mới. Và dù ở nơi
đâu, trong hoàn cảnh nào thì với tấm lòng luôn hướng về tổ quốc thì mỗi
người đều có thể biến tình yêu thành hành động yêu nước. Lương Văn Can,