ở Nam Vang, mà ngay từ buổi đầu của phong trào Đông Du - Duy Tân,
những đồng tiền nhà gom góp gửi ra nước ngoài và để đóng góp cho sự
phát triển Đông Kinh Nghĩa Thục cũng chính là từ việc buôn bán của
gia đình cụ Cử mà ra.
Làm cách mạng, “sức người” rất quan trọng, mà “sức của” cũng là một yếu
tố quyết định cho sức mạnh của bất kỳ cuộc cách mạng nào. Trong thời
điểm khó khăn ấy, các tổ chức yêu nước được bí mật thành lập đều rất cần
đến sự tương trợ của nhân dân. Chắc chắn chúng ta sẽ không thể chiến
thắng một kẻ thù xâm lược mạnh gấp nhiều lần mà chỉ dựa vào duy nhất
lòng yêu nước.Cuộc cách mạng nào cũng cần có tài chính để nuôi dưỡng
nhân lực, sắm sửa khí giới,... Những tổ chức cách mạng thời đó sở dĩ đã tồn
tại và vượt qua những sóng gió là nhờ những khoản đóng góp không nhỏ
của đồng bào yêu nước. Và như vậy, làm kinh tế như công cụ để phụng sự
tổ quốc cũng chính là một hành động yêu nước đầy thiết thực.
Sau những suy tính, tự vạch ra đường đi nước bước cụ thể, Lương Văn Can
bí mật liên lạc với gia đình, quyết tâm thành lập một đường dây buôn bán
xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia. Để mở được đường dây buôn bán
này là cả một quá trình tìm hiểu thị trường rất cặn kẽ, giá cả các mặt hàng
hiếm ở Nam Vang và so sánh với giá cả hàng hóa ở Việt Nam. Cụ thuê một
căn nhà trên đường An Dương, lập hiệu buôn mang tên Đại Thanh, chuyên
buôn bán các loại hàng hóa mang từ Việt Nam sang. Khi đó, cô con gái thứ
7 của cụ là Lương Thị Trí cũng sang để phụng dưỡng cha và tham gia vào
việc kinh doanh. Cụ Cử Can còn thu xếp được cho Lương Ngọc Môn đi học
trường Tây tại Nam Vang, sau này người con trai út của cụ tốt nghiệp trung
học, đi dạy học, rồi về Hà Nội học tiếp ở trường Cao Đẳng Đông Dương.
Không chỉ dừng lại ở thành công của tiệm buôn Đại Thanh, Lương Văn
Can còn mở thêm hiệu buôn mang tên Hưng Thạnh và giao cho con dâu
Nguyễn Thị Hồng Đính trông nom.