khăn, bế tắc, do sự đàn áp thẳng tay của thực dân Pháp. Từ Hương Cảng,
nhóm người này trôi dạt sang Quảng Đông, rồi sau đó sang Xiêm để chờ
thời cơ. Trong tình cảnh khốn quẫn về kinh tế, Lương Ngọc Quyến phải về
nước để vận động tài chính cho phong trào.
Năm 1911, Lương Ngọc Quyến được cha đứng ra tổ chức cưới hỏi Nguyễn
Thị Hồng Đính, con gái của Nguyễn Hữu Cương - một chí sĩ tham gia
Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguyễn Thị Hồng Đính sang Trung Quốc sống
cùng Lương Ngọc Quyến. Thời gian tiếp theo, ông học trường Quân nhu
Học hiệu tại Quảng Đông và trường Sĩ quan Học hiệu ở Bắc Kinh, với ý chí
sẽ đem sức lực và kinh nghiệm để xây dựng quân đội Việt Nam sau này.
Tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội được Phan Bội Châu xây dựng tại
Quảng Đông, thay thế cho Duy Tân hội, với đường lối đấu tranh mới. Tổ
chức đã tập hợp được cả trăm thanh niên yêu nước. Lương Ngọc Quyến
được cử làm Ủy viên quân vụ thuộc bộ chấp hành. Một trong những vấn đề
gay go là làm sao có đủ kinh phí để duy trì Hội trong những ngày đầu thành
lập. Để góp phần giải quyết khó khăn này, Lương Ngọc Quyến đã về nước
vận động đánh Ty rượu Thanh Ba và dinh Tuần phủ Phú Thọ Chế Quang
Ân, lấy kinh phí cho Hội. Năm 1914, Lương Ngọc Quyến về Sài Gòn, rồi
xuống Long Xuyên gặp Dương Bá Trạc, một chí sĩ bị đưa đi “an trí” vì đã
tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Lương Ngọc Quyến có ý định với chuyến
đi này ông sẽ gây dựng cơ sở cách mạng ở Nam kỳ, tuyển mộ người, đưa
sang Xiêm để đào tạo lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa.
Thật không may, trong chuyến đi ấy ông đã bị một thành viên của Việt Nam
quang phục hội phản bội, chỉ điểm cho Pháp.
Lương Ngọc Quyến đã bị lộ tung tích khi sang Nam Vang thăm cha. Ông
lập tức quay về Sài Gòn rồi tìm đường sang Hương Cảng. Tại đây, ông đã
bị cảnh sát Anh bắt và giao cho Pháp. Tháng 3.1915, Lương Ngọc Quyến bị
giải về Hà Nội, và từ giờ phút đó, ông phải trải qua rất nhiều nhà lao, chịu