như Việt Nam nghĩa liệt sử, Trung Quốc hồn, Ẩm Băng Thất văn tập... Đây
là nguồn tài liệu giúp trau dồi kiến thức, là nguồn thông tin quan trọng để
theo dõi tình hình cách mạng thế giới. Sách báo tiến bộ như một động lực
lớn nuôi dưỡng lòng yêu nước và ý chí cách mạng...
Sau một thời gian, việc buôn bán đã đi vào nền nếp và ngày một phát
đạt, cụ giao tất cả việc trông nom cửa hàng cho con cái để quay về với
việc soạn sách mà mình hằng yêu thích trong thời gian dạy học và làm
thục trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Với Lương Văn Can, viết sách không chỉ là một thú vui, mà còn là một tâm
huyết, trách nhiệm lớn đối với các thế hệ đi sau. Cụ đã bày tỏ quan điểm
này trong Hành trạng: “Ta nghĩ người ta làm việc hẳn phải có hai lòng đặc
biệt, một là: lòng trách nhiệm, hai là: lòng hứng vị. Có trách nhiệm thì trong
lòng mấy (mới) phải lo mà làm, có hứng vị thì mấy biết vui mà làm, nếu có
trách nhiệm mà không có hứng vị thì dẫu làm cũng không bền lâu được. Ta
vẫn có ý trước thuật mà chưa rỗi, nay nhân cơ lưu ở Nam Vang mà ta làm
nên được mấy bộ sách, ấy chính là giời để ngọc thành (làm cho thành việc)
cho ta, ta thường vui mà quên mỏi, cũng là cầu hết thiên chức của mình, và
gọi là lưu di tích một chút về sau”.
Đọc những dòng ghi chép trên, cho chúng ta cảm giác thú vị khi hiện lên
chân dung của một chí sĩ yêu nước với phong thái thật điềm đạm, lạc quan.
Rơi vào cảnh đi đày, cụ đã biến cái rủi thành cái may, coi như một cơ hội
trời cho để viết nên những bộ sách cho xã hội.
Việc soạn sách, ngoài niềm đam mê và trách nhiệm với xã hội mà Lương
Văn Can tự nhận lấy cho bản thân thì với cụ đây còn là một cách để tự trau
dồi kiến thức. Mỗi lĩnh vực mà cụ cử viết sách là một đề tài để cụ chuyên
tâm nghiên cứu, tìm tòi, tự tích luỹ cho mình những kinh nghiệm quý báu.
Đây quả là một cách học tập rất đáng nể của một nhà trí thức tuổi cao mà
còn rất minh mẫn và uyên bác.