biết bao nhiêu là bánh pháo, cái tròn, cái hình chữ nhật, chồng chất lên
nhau, lòe loẹt. Kê sát tường là những ghế bành cổ bọc gấm. Cửa bên ngoài
trông ra một cái sân nhỏ
-Rồi đến một cái nhà đổ. Bên nhà đổ ấy, có một lối nhỏ trông ra cổng. Cái
cổng sắt ấy đã được vít chặt, chăng dây thép. Dây thép treo nhiều ống bơ và
các mảnh sắt. Qua cái cổng ấy có thể nhìn được thấy Hàng Gai, dãy phố
giặc đã đóng. Loan ngồi xuống một cái ghế bành, nhìn quang cảnh cái
phòng đổi mới. Anh hút một điếu thuốc lá:
-Trong khói lửa, tết vẫn huy hoàng. Vẫn có bóng, có vây, có mực. Có
những thứ mứt ngon nhất của Hà Nội. Có những bánh pháo nhiều nhất từ
xưa đến nay, nổ vỡ trời. Loan đứng phắt dậy, đến trước mặt Dân:
-Liệu có ai ở ngoài hậu phương vào không? Liệu cô hàng hoa của mày có
vào không? Dân ơi! Chỉ cần thêm một cành đào nhỏ, một vài chiếc bánh
chưng thôi là đủ vị.
-Tất cả chúng mày ơi! Tao đố chúng mày, có ai vào không? Đứa nào đoán
được? Mọi người ngồi trầm ngâm. Khói hương trầm nghi ngút. Thấp
thoáng trước mặt mọi người những cảnh tết đầm ấm khi xưa, gia đình sum
họp chung quanh nồi bánh chưng, ngắm những cành đào, cành quất. Phố xá
người đi như nước. Chợ Đồng Xuân rực rỡ ngày tết. Những chậu cá vàng,
những cây cảnh, những dãy hàng hoa... Rồi họ mơ màng nghĩ đến cái cảnh
tết của đồng bào ở hậu phương, lúc này, những con mắt lo âu hướng về Hà
Nội. Loan và Quyên hỏi nhau:
-Không biết cậu mợ chúng mình lúc này ăn tết thế nào nhỉ? Cậu mợ sẽ nghĩ
chúng mình như thế nào nhỉ? Dân mơ màng thấy Nhân đang vội vã gánh
quà hậu phương vào. Nhân lần mò qua cái bãi Phúc Xá của anh, bây giờ đã
thành đống tro tàn. Anh nhắm nghiền mắt lại, anh thấy như Nhân bị bắn
ngã trên bãi.
-Thái chuối đi đã, bầy lên làm cỗ vậy, cho có ngọt có bùi và có cả chát nữa.
Bê cả một chậu rau cải vào đây, cho có chất xanh của màu há vọng. Dân lấy
ở túi áo ra một tông đơ:
-Đứa nào húi đầu thì ra đây. Tao đoán nhất định là có người vào. Phải sửa
soạn đón cho ra trò. Chiến sĩ phải tươm mới được. Anh kéo Thu Phong lại.