tuyệt cùng Trần Cảnh, chẳng qua chỉ khổ lòng con trẻ mà vị tất đã có ích
lợi gì cho ai. Trong cõi hồng trần này, sự khổ não đầy rẫy, ta còn tạo thêm
sự khổ não làm gì. Huống hồ kẻ bị khổ não ấy lại chính là con ta! Đã đành
rằng nhân duyên nghiệp chướng nhưng hiện nay hai trẻ yêu nhau, nếu được
như nguyện tất nhiên chúng lấy làm sung sướng lắm. Sự sung sướng ấy chỉ
là cái ảo mộng, kẻ u mê đã lấy làm đủ thì còn nói gì.
Rồi nhân đấy, Huệ Tôn nghĩ sang việc khởi nghĩa cho Đoàn Thượng:
- Trấn thủ Hồng Châu trung nghĩa đáng khen, nhân tâm còn ái mộ nhà Lý
đáng cảm thực. Tuy vậy, xưa nay công danh phú quý, giấc mộng kê vàng.
Trăng tròn rồi phải khuyết, mặt trời lên cao rồi phải tà. Thịnh suy là lẽ ngàn
đời, ai làm thế nào tránh được. Nước Nam trải bao nhiêu họ làm vua, ai đã
giữ mãi được quyền chủ tể. Huống hồ ta tuổi già lại không con trai nối
nghiệp, phỏng thử đem binh về Thăng Long, giết được Thủ Độ, gây lấy oai
quyền khi trước nhưng sau một vài năm ta chết đi, cơ nghiệp ấy để cho ai?
Để cho người họ khác. Quanh quẩn cũng như chuyện. Thế mà bỗng dưng
nổi cuộc binh đao, làm phí bao nhiêu mạng sĩ tốt, đuổi theo một cái hư ảnh
để cho muôn dân phải lầm than, tội ác ấy, ta biết từ mấy kiếp mới đủ đền
bồi? Thôi thôi, sớm tỉnh ngộ đi là hơn, sắc sắc không không, lời Phật đã
dạy, ta nên ghi lấy làm lòng, tỉnh giấc mê si, dứt vòng nghiệp chướng họa
may thoát khỏi kiếp luân hồi.
Huệ Tông nghĩ vậy, trong lòng thấy khoan khoái, thảnh thơi. Sự thù oán
tiêu tán, nhường chỗ cho lòng từ bi mông mênh bát ngát. Quay lại, ngài hỏi
Chiêu Hoàng:
- Câu ta nói vừa rồi là do sự tức giận một lúc, con đừng lấy làm buồn.
Việc nhân duyên của con, ta sẵn lòng tán trợ, chỉ mong cho con được sung
sướng mà thôi.
Chiêu Hoàng cảm động, thụp xuống lạy. Huệ Tông đỡ nàng đứng lên,
nói: