Cường độ của tất cả các loại động cơ này sẽ phụ thuộc một phần vào mức độ ít tốn kém và độ tin cậy của các
cách thức nhận được tiền mặt, khi cần, bằng một hình thức vay tạm nào đó, đặc biệt là bằng việc thấu chi hoặc
những việc tương đương như vậy. Vì không cần thiết phải giữ tiền mặt nhàn rỗi để trang trải trong các khoảng thời
gian, nếu có thể dễ dàng nhận được số tiền đó vào thời điểm thực sự cần đến nó. Cường độ của ba động cơ này sẽ
còn phụ thuộc vào cái mà chúng ta có thể gọi là chi phí tương đối của việc giữ tiền mặt. Nếu chỉ có thể giữ lại tiền
mặt bằng cách từ bỏ việc một một tài sản sinh lãi, thì việc này làm tăng chi phí và do vậy làm yếu động cơ giữ một
lượng tiền mặt nhất định. Nếu chỉ có thể giữ lại tiền mặt bằng cách từ bỏ việc mua một tài sản sinh lãi, thì việc này
làm tăng chi phí và do vậy làm yếu động cơ giữ một lượng tiền mặt nhất định. Nếu thu được tiền lãi gửi tiền hoặc
tránh được phí ngân hàng khi giữ tiền mặt, việc này làm giảm chi phí và tăng cường động cơ gửi tiền. Song, rất có
thể đây là một nhân tố không đáng kể trừ phi xét đến những thay đổi lớn về chi phí giữ tiền mặt.
4) Còn lại là động cơ đầu cơ. So với các động cơ khác, động cơ này cần có sự nghiên cứu chi tiết hơn, vừa vì
người ta hiểu nó ít thấu đáo hơn, vừa vì nó đặc biệt quan trọng việc lan truyền những ảnh hưởng của sự thay đổi
về khối lượng tiền tệ.
Trong hoàn cảnh bình thường lượng tiền cần thiết để thoả mãn động cơ giao dịch và động cơ dự phòng chủ
yếu là phát sinh từ hoạt động chung của hệ thống kinh tế và từ mức thu nhập bằng tiền. Nhưng chính nhờ sự tác
động đến động cơ đầu cơ mà việc quản lý tiền tê (hoặc, khi không cố quản lý, những thay đổi ngẫu nhiên về khối
lượng tiền tệ) được dùng đến trong hệ thống kinh tế. Vì nhu cầu cần tiền để thoả mãn những động cơ đầu tiên nói
chung không nhạy bén với bất kỳ ảnh hưởng nào ngoài việc thực sự xảy ra một sự thay đổi trong hoạt động kinh tế
chung và trong mức thu nhập; trong khi đó kinh nghiệm cho thấy rằng tổng cầu về tiền để thoả mãn động cơ đầu
cơ thường thể hiện sự nhạy bén liên tục đối với những thay đổi từ từ trong lãi suất, tức là có một đường biểu diễn
liên tục gần những thay đổi trong nhu cầu về tiền để thoả mãn động cơ đầu cơ với những thay đổi trong lãi suất bị
chi phối bởi những thay đổi trong giá của các trái phiếu và các tài khoản có những kỳ hạn thanh toán khác nhau.
Quả thực, nếu không như vậy thì các nghiệp vụ thị trường mở sẽ không thể thực hiện được. Tôi đã nói rằng
kinh nghiệm cho thấy mối quan hệ phụ thuộc liên tục nói trên, vì trong hoàn cảnh bình thường hệ thống ngân hàng
thực sự bao giờ cũng có thể mua (hoặc bán) trái phiếu qua trao đổi bằng tiền mặt bằng cách tăng (hoặc giảm) giá
trái phiếu trên thị trường với một lượng khiêm tốn, và khối lượng tiền mặt, mà hệ thống ngân hàng tìm cách tạo ra
(hoặc huỷ bỏ) bằng cách mua (hoặc bán) các trái phiếu và trái khoản - càng lớn, thì lãi suất phải giảm (hoặc tăng)
càng nhiều. Song, nơi nào (như ở Mỹ năm 1933-1934) mà các nghiệp vụ thị trường mở bị hạn chế ở việc mua
chứng khoán rất ngắn hạn thì, tất nhiên, ảnh hưởng đó chủ yếu có thể bị hạn chế ở lãi suất rất ngắn hạn và chỉ tác
động ít đến lãi suất dài hạn có tầm quan trọng lớn hơn nhiều.
Song, khi xét đến động cơ đầu cơ thì điều quan trọng là phải phân biệt những biến động về lãi suất nẩy sinh
do những biến động về lượng cung tiền hiện có để thoả mãn động cơ mà không gây ra biến động trong hàm về độ
chuyển hoán, với những biến động nẩy sinh trước hết do những thay đổi về dự tính ảnh hưởng đến bản thân hàm
về độ chuyển hoán. Thực vậy, các nghiệp vụ thị trường mở có thể ảnh hưởng đến lãi suất bằng cả hai cách, vì các
nghiệp vụ này có thể không chỉ làm thay đổi khối lượng tiền tệ, mà còn có thể làm nẩy sinh những thay đổi dự
kiến về chính sách trong tương lai của ngân hàng trung ương hoặc của chính phủ. Những thay đổi trong bản thân
hàm độ chuyển hoán (do đó sự thay đổi về thông tin buộc phải xét lại các dự tính) thường là gián đoạn và do đó
gây ra sự thay đổi gián đoạn tương ứng về lãi suất. Thực vậy, chỉ có chừng nào mà sự thay đổi về thông tin còn
được các cá nhân khác nhau lý giải khác nhau hoặc sự thay đổi đó ảnh hưởng khác nhau đến lợi ích cá nhân, thì
mới có sự gia tăng hoạt động giao dịch trên thị trường trái khoán. Nếu sự thay đổi về thông tin ảnh hưởng hoàn
toàn như nhau đến sự phán đoán và nhu cầu của mỗi người, thì lãi suất (được biểu thị bằng giá trị của các trái
phiếu và trái khoán) sẽ được điều chỉnh ngay theo tình hình ới mà không cần đến giao dịch thị trường.
Như vậy, trong trường hợp đơn giản nhất, khi mỗi người có quan điểm giống nhau và ở trong điều kiện như
nhau, thì sự thay đổi về hoàn cảnh hoặc dự kiến sẽ không gây ra một sự chuyển dịch tiền tệ nào cả; sự thay đổi đó
chỉ làm thay đổi lãi suất ở mức độ cần thiết để cân đối với nhu cầu của mỗi cá nhân đã bộc lộ ở mức lãi suất trước
đây, để thay đổi lượng tiền mặt hiện có của cá nhân cho phù hợp với các dự tính và hoàn cảnh mới; và vì mọi