Đặc biệt, Jane Austen đã dựng lên bộ khung khôi hài của giới trung lưu
Anh quốc vào thời đại của mình, mở đầu xu hướng cho nền "tiểu thuyết gia
đình" khi xói vào cung cách, nhân phẩm, và sự căng thẳng giữa các nhân
vật nữ và xã hội mà họ đang sống. Jane Austen đã thoát khỏi mô-típ văn
học thời đại cô sống, vốn vẫn đưa ra nhân vật nữ luôn có đức độ, truyện
tình luôn thơ mộng, và những sự kiện ngẫu nhiên gây đột biến cho câu
chuyện. Đặc điểm này đã khiến tiểu thuyết của tác giả có mối tương quan
gần gũi với thế giới đương đại hơn là những truyền thống của thế kỷ 18.
Tóm lại, qua các tác phẩm của Jane Austen, người đọc có thể nhận ra
những mẫu người "trần thế", không tuyệt vời mà cũng không tồi tệ, nhưng
phức tạp, trong bối cảnh tình yêu và lãng mạn bị chi phối bởi kinh tế và bản
chất thật của con người, qua đấy họ thể hiện "tài" và "tật" mà gia đình và xã
hội đã góp phần đúc khuôn họ.
Để thấu hiểu ý nghĩa văn học của Jane Austen, có lẽ nên nhìn qua bối
cảnh chung. Vào thời của tác giả, phụ nữ không có mấy cơ may thăng tiến
trong xã hội Anh quốc: những nghề chuyên môn, các đại học, giới chính trị,
quân ngũ... đều khép kín đối với phụ nữ. Nhiều cô ít được đến trường, mà
chủ yếu được cha mẹ hoặc gia sư dạy học ở nhà (tác giả cũng thế). Một số
ít ngành nghề phụ nữ có thể tham gia (như nhận chân dạy học cho trẻ em và
sống cùng gia chủ) thì không được coi trọng. Phụ nữ con nhà "gia giáo" chỉ
có thể mong được vị thế xã hội tốt qua việc hưởng thừa kế hoặc qua hôn
nhân. Nhưng việc thừa kế toàn bộ bất động sản lại dành cho nam giới theo
thứ tự liên hệ gia tộc; phụ nữ thường chỉ nhận thừa kế những đồ dùng trong
nhà, cùng lắm là một khoản tiền nho nhỏ.
Chỉ còn con đường duy nhất để đảm bảo tương lai cho người con gái:
lấy chồng giầu! Do vậy mà phát sinh mối ưu tư lớn lao của những bà mẹ có
con gái, đến nỗi các bà mẹ trong truyện của Jane Austen không giáo huấn
cho con gái nhiều về tình yêu và hôn nhân, với chủ kiến con gái chỉ cần đẹp
để lấy chồng giầu! Mặt khác, các chàng trai con nhà giầu cũng chịu áp lực