giải thích, bên kia là một cô gái còn trẻ, giáo viên tiếng Hy Lạp, từng thề là
sẽ không bao giờ yêu nữa, sau khi trải qua một tấn thảm kịch cũng không
được giải thích nhiều hơn là mấy. Ông nam tước hết mình vì hai đứa con,
ông nuôi dạy chúng trong bốn bức tường khép kín của lâu đài Anjou -
không ai biết tại sao hai đứa bé không đi học. Rồi chính thế mà có cuộc gặp
gỡ với cô giáo trẻ. Tốt. Thế rồi xảy ra, thật không ngờ, mới đầu âm thầm
lặng lẽ rồi sau khẩn thiết, một ham muốn xác thịt chớp nhoáng giữa ông
nam tước và cô giáo tiếng Hy Lạp, điều này tạo ra nhiều thử thách khó khăn
cho những tuyên thệ đạo đức gắn liền với quá khứ không được giải thích
của cả hai nhân vật chính.
Camille đang ở đoạn đó, và khá thường xuyên, cô thấy thật chật vật. Ông
nam tước và nhà nghiên cứu tiếng Hy Lạp đi đi lại lại hết dọc lại ngang
ngày này qua ngày khác, một người đi lại trước ngọn lửa trong lò sưởi, một
người trước tấm bảng đen, tay nắm chặt niềm ham muốn bị kìm nén, họ
cùng đạt được một điều là làm cô chán ngấy. Cô căm ghét họ. Mánh lới tốt
nhất mà cô tìm được để có thể vừa sáng tác một đoạn nhạc tình cảm vừa
quên phứt họ đi là thay thế họ bằng một ông bố chuột đồng và một bà mẹ
chuột đồng, như trong những câu chuyện thiếu nhi của cô khi cô vẫn còn tin
vào tình yêu. Cô nhắm mắt lại, gợi mình nghĩ đến hình ảnh ông bố chuột
đồng, mập mạp và kiêu hãnh trong chiếc quần yếm lao động vùng quê,
cùng với hai bé chuột đồng đang vừa học tiếng Hy Lạp vừa nhảy nhót, và
ánh nhìn trìu mến của bà mẹ chuột đồng mặc áo khoác đỏ. Như thế mọi
việc sẽ tiến triển tốt hơn. Tâm trạng hồi hộp, căng thẳng, sự mất tích không
được giải thích của các chú chuột đồng, những xúc cảm của cuộc hội ngộ.
Cho đến lúc này, nhà sản xuất vẫn nói rất hài lòng về các sáng tác của cô.
Chúng phù hợp với đề tài tác phẩm, họ vẫn nói thế.
Kể từ sau khi Suzanne chết, việc chăm sóc cái gia đình chuột đồng này trở
thành một thử thách thực sự vì chúng không ngừng gây phiền toái cho cuộc
sống của chúng bằng những điều vụn vặt.