- Nhưng thưa anh, cậu ấy học A Le-ven thì chỉ tương đương với sơ cấp bên
ta thôi ạ.
Ông phó Tùm Lum bảo:
- A Le-ven hay B le-ven nhưng cái séc-ti-phi-ca của người ta có tiêu đề
của trường đại học thì là bằng đại học chứ còn là cái gì?
Ông phó rỗ thêm lời:
- Trường đại học bên Anh Quốc là danh giá lắm chứ, những người học ở
các trường ấy ra, về mình chỉ xếp cử nhân là hơi thiệt thòi đấy!
Ông Tổng “huỷ phân” chỉ đạo:
- Mình là doanh nghiệp, muốn thu hút nhân tài Phòng Tổ chức nhân sự nên
xây dựng phương án trả lương theo năng lực cán bộ và hiệu quả công tác.
Bằng cấp chỉ là cơ sở để tham khảo.
Mụ trưởng phòng Tổ chức nhân sự vẫn “đành hanh” chưa chịu:
- Nhưng thưa anh, anh Dũng Trưởng phòng đối ngoại phản ánh cậu Mã nói
khẩu ngữ tiếng Anh thì tạm được, nhưng không biết viết lách gì đâu ạ.
- Nói lạ - Ông Tùm Lum cáu kỉnh - Nói được thì phải viết được chứ.
Ông Tổng giám đốc đấu dịu:
- Thôi được rồi. Cứ xếp lương Cử nhân. Cán bộ mới làm sao đã quen ngay
với thuật ngữ chuyên môn, phải từ từ bồi dưỡng rồi sẽ quen dần. Thế nhé!
Chúng tôi đang thảo luận dở.
Mụ Đành Hanh cụt hứng, quay ra.
Một năm sau.
Cụ Triệu đã trở thành cán bộ cao cấp. Hai phó Tổng thì một trở thành
Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn một được bỏ chữ “phó”. Chữ “phó” đó
được chuyển giao cho bà giám đốc miền Trung Lê Thị Hoa Mai như một sự
trả công của ông cựu Tổng giám đốc.
Mã Tóc Xoăn không biết nhờ sự dậy bảo của “cô” Mai hay “Bố mẹ
nuôi” hoặc là tiếp thu được truyền thống của người ông nội hờ là cụ “Đốc
tờ Xuân” mà chẳng những “lên mồm lên mép” mà còn lên cả tính ma giáo
nữa, như đã kể về việc nó mời giỗ “ông nội” để vận động tranh cử ở phần
đầu.