Nói cho ngay hồi trẻ, ông SuDa (cái tên ngộ nghĩnh này do các văn sĩ
tiếu ngạo bạn ông văn sĩ Già đặt cho người bạn hiền tài xế của ông, bởi ông
này có chiếc xe Suzuki từ thời Minh Trị Thiên Hoàng bên Nhật Bổn chưa
có râu, lâu năm chầy tháng, cái máy Su chịu đời không thấu, ông bỏ máy
Su, đi chợ Tân thành mua một lốc máy Honda gắn vô, chiếc xe hỗn hợp
giữa hai hãng xe gắn máy nổi tiếng của ông trở thành xe... SuDa) cũng có
viết trước chút đỉnh rồi nhưng chuyện đó toàn là những kỷ niệm buồn. Nhà
xuất bản khĩ đột nào đó, chào trước cứ trả lại bản thảo cho ông rồi kiếm cớ
gửi kèm theo tờ giấy in sẵn lời cảm ơn chân thành, còn chúc mừng cho sự
cộng tác... lâu dài, mong được nhận nhiều tác phẩm khác... Nghe lời, ông
SuDa cong xương sườn viết tiếp, thành ra bộ sưu tập những lá thư cảm ơn
và mong sự cộng tác dài lâu như vậy, ông SuDa tội nghiệp có nhiều, rất
nhiều.
Ông văn sĩ Già chưa hề nói với bạn về thời kỳ mình... giống như cảnh
ngộ của bạn hiện giờ, có lẽ lúc đó ông cũng nhận được nhiều lá thư cảm ơn
in sẵn. Ông chỉ nói chậm rãi, hào phóng rặt kiểu Nam Bộ:
- Tại sao phải hà tiện? Tội gì mà không kêu văn sĩ bằng... văn sĩ? Đâu
phải mới viết được một cuốn sách là chưa phải văn sĩ, cũng không chưa
phải viết chữ nào, trang nào lại không phải là nhà văn. Anh nghiền ngẫm
thâm canh lâu năm, từ nhỏ cho tới già, rồi làm một cuốn một cho ngon,
đúng khi anh ngáp ngáp từ giã cõi trần, chưa kịp lãnh nhuận bút thì anh vẫn
là văn sĩ.
Câu chuyện trên xe tiếp tục ở quán cà phê vỉa hè, cạnh một tuần báo, nơi
các văn sĩ hay ngồi. Một văn sĩ trẻ nói, đại ý là mỗi một văn sĩ khi viết bất
luận vê nhân vật nào đều có cái tôi trong đó, lập tức nổ ra cuộc tranh luận.
Điều quan trọng hơn hết mọi sự, giờ đây ông SuDa ngẫu nhiên được ngồi
chung chiếu với các nhà văn thiệt sự, có tên tuổi, có sách in. Ông chỉ ngồi
một bên, như mọi ngày lặng lẽ hút thuốc. Lệ thường ông hay gù gù trong
miệng, nay bỗng nói thành tiếng: