không nhận con không dám bay về chuồng má con”. Rồi con bồ câu này -
tôi nhìn một hồi thấy nó giống má nó lắm, màu trắng, cánh nâu nâu - nhả
cho tôi một cây viết thần để tôi viết tiểu thuyết.
Câu chuyện của ông SuDa không phải là chuyện phù thủy vui nhộn như
cuốn Harry Potter mà là một câu chuyện có thật, tới 80 phần trăm, tiếc cho
các nhà xuất bản đã không nhanh tay. Rồi ông SuDa cũng có được năm
triệu để có thể tự in cuốn sách. Không ai khác giúp ông hơn là các bạn văn
sĩ tốt bụng. Nhưng đã nói trước rồi, văn sĩ thì hay gặp cảnh truân chuyên,
khi về tới nhà, xui cho ông Su Da, ông lại đem truyện có tiền in sách đi nói
với vợ, trong lúc con dâu của ông nằm ổ đẻ, còn thằng Trái Cây thì cần có
cái gì làm ăn. Bà nhà vốn thiết thực hơn ông, không có chuyện “bồ câu”
chim trời cá nước chút nào. Bà nói: “Ông không chịu lo làm ăn gì ráo trọi,
suốt ngày cứ lo ba chuyện ngâm vố. Có cháu nội rồi đó, thằng Trái Cây cần
chiếc Honda để chạy xe ôm, ông nuôi tụi nó nổi hông? Năm triệu này tui
lấy mua chiếc xe cho thằng Trái Cây”. Vì vậy mà, thưa các bạn, cuốn tiểu
thuyết của ông SuDa phải gác lại.
Có lẽ đây là lần đầu tiên có một người nói chuyện được với bồ câu và
hết sức muốn ra mắt bạn đọc cuốn sách có một không hai đó. Nhưng, như
vợ ông nói cũng có lý, xe cần hơn. Ông văn sĩ SuDa đành nợ chúng ta một
cuốn tiểu thuyết phải nói là khá hấp dẫn.
Một hôm, chạy xe ngang qua khu bán chim chó mèo ở đường Ba Tháng
Hai, tôi chợt thấy ông SuDa. Ông đưa tay lên như chào ai, còn mắt thì nhìn
lên trời. Từ trên cao, một con bồ câu bay xuống, đậu trên tay ông, rồi đôi ba
con khác đậu trên vai, nhiều con nữa đảo vòng vòng vui mắt, sau đó là cả
một đàn bồ câu bay xuống quanh ông... Mọi người ngạc nhiên, vỗ tay khen
ngợi. Đám bồ câu “gù gù”, ông SuDa... cũng “gù gù” theo vui vẻ. Họ trò
chuyện về cây trứng cá, về bầy chim sẻ và nhiều chuyện khác như những
người bạn lâu năm gặp lại, nhắc chút kỷ niệm thời thơ ấu bâng khuâng đã
qua mau...