liền quẹo vô hẻm. Xui cho tụi nó, tính chui qua ngõ khác nhưng lại đụng
đầu vô vách cầu, xỉu tại chỗ. Chính nơi tận cùng số này, Hà mướn một nền
nhà cũ, che chòi bán cà phê. Đúng là Hà, vì một chuyện thầm kín, sau cái
ngày chỉ nói chuyện một chút với Hà, tôi đâm đổ đốn, xúc động hoàn cảnh
của “con bò lạc” này. Bị tiếng sét ái tình, trở chứng yêu yêu nhớ nhớ, gặp
ai, đi đâu tôi cũng tơ tưởng cảnh cũ “bò xưa”. Giờ đây gặp lại Hà ở chốn
này, nói thiệt tôi mừng trong bụng.
Đây là nơi giàu nghèo lẫn lộn. Bên trái, trên “đất liền” là nhiều ngôi nhà
to xù, loại biệt thự cao cổng kín tường, ẩn khuất sau những tàn cây, xe hơi
đời mới, khách khứa sang trọng, với nhiều khuôn mặt nghiêm trang, có
nhiều ông Tây, Hàn, Nhật sáng sớm dẫn chó đi đái. Còn bên phải, bờ sông
ngăn ngang xóm nhà giàu, có một khoảng đất mọn, nửa dưới nước, là vô số
mái chòi giấy dầu, tôn thùng chắp vá. Mà cũng tiện, dân hũ chìm thấy chó
chạy rong là bắt làm thịt, về sau úp bao bố được giống chó mặt mày râu ria
kỳ cục. Chó ngoại, dại gì luộc. Mấy ông Tây thương chó, năn nỉ đổi tiền
chuộc quá êm! Ngoài ra, ôi thôi là chuột! Sống vậy mà những người “nhập
cư” này cũng tỉnh rụi không chút lo âu. Nghe nói xuất xứ của xóm là dân từ
ghe lên bờ, xóm “tạp pí lù” này là “chuyên gia” ăn cắp điện của nhà nước.
Từ trên thành cầu mới nhìn xuống, khu xóm đêm đêm đèn cháy sáng
choang, xanh đỏ, nhạc cát xét, karaôkê vang lừng như chốn bồng lai tiên
cảnh. Điện lực cho người đi với công an xuống xóm tịch thu dây điện, phạt
tiền. Sau đó, tức thì người ta lại hùn nhau mua dây mới, một trự trèo lên cột
điện móc một phát, đèn lại sáng choang. Cô Hà không câu điện chùa, nước
chùa, cô xài điện nước của một nhà có đồng hồ, tuy hơi mắc một chút. Ai
cũng nói khi Hà mới tới đây vốn liếng chỉ một triệu, sau vài tháng mua may
bán đắt Hà sắm được tủ lạnh mới cảo, ti vi màu, đầu máy, xin giấy tạm trú
đàng hoàng, gắn luôn điện thoại, tiện việc gọi hàng chờ vào quán. Quán cà
phê của Hà kiêm luôn tạp hóa, thuốc tây, một kiểu “siêu thị” bình dân. Có
chỗ mọi người làm biếng, ít khi đi đâu, nói nào ngay cũng xa và khó ra chợ,
bởi một con đường cụt, con đường lớn ngoài kia khủng khiếp, xe tải, xe du