Tôi vừa qua khỏi một dãy nhà thì thấy chúng: ba tòa nhà giống nhau,
một sai lầm nửa thế kỷ, gần đại lộ Suffren dọc bờ sông Seine. Tất cả đều là
bê tông và những góc cạnh đã xiên lệch. Không sao - tôi choáng váng khi
nhìn thấy chúng, vì mỗi tòa nhà cao đến mười hai tầng lộng lẫy. Tại tòa nhà
đầu tiên, tôi thấy một gói nhỏ của một phụ nữ ăn mặc xuềnh xoàng đang
quét cầu thang. Tôi ngập ngừng tiến đến gần cô nói "Excusez moi" (tiếng
Pháp: Xin lỗi bà) và hỏi tiếp, hết sức lịch sự, có một bà già người Việt sống
trong tòa nhà của cô ở tầng mười một không. Cô ngừng tay đủ lâu để chỉ
cái tòa nhà kế bên. "Tôi chắc là cô đang tìm người đàn bà ở số 24", cô vừa
nói vừa cười mỉm và lắc đầu. Có thể tôi hoang tưởng, nhưng hình như cô ta
đang cười cợt tôi.
Cô ta không phải là người đầu tiên nghi ngại tôi. Khi tôi thổ lộ với giáo
sư cố vấn cao học của mình rằng tôi đang đi tìm Rồng Cái, bà đã ném cho
tôi cái nhìn trịch thượng - tôi nghĩ vậy, vì, như những người khác, bà cho
rằng bà Nhu đơn giản chỉ là một chủ đề quá ngớ ngẩn. Tôi đã mất nhiều
thời gian để hiểu rằng, vị giáo sư cố vấn của mình, người đã sống ở Sài
Gòn suốt thời kỳ tham chính của bà Nhu và nhìn thấy bạn học của mình bị
cảnh sát Nam Việt Nam bắt giữ, đã không nghĩ bà Nhu là một đề tài đáng
xem lại.
Nhưng bây giờ tôi gần đến nơi rồi. Phấn chấn bởi một cái gì đó như là
sự tự tin, hoặc có lẽ là sự lạc quan ngây thơ, tôi bấm chuông chỗ người bảo
vệ ở số 24 đại lộ Suffren, và khi bà xuất hiện, tôi toét miệng cười nhìn bà.
Sau khi bà để tôi vào trong, tôi thả lên bàn cái phong bì mỏng màu xanh đề
tên Bà Ngô Đình Nhu.
"Cô muốn cái gì?" bà bảo vệ làu bàu hỏi. Bà hơi thiếu lịch sự thôi chứ
không hẳn thô lỗ, nhưng tôi không quan tâm. Bà khẳng định bà Nhu ở trên
lầu.
"Xin bảo đảm bà ấy nhận được cái này giùm tôi", tôi nhẹ nhàng đáp.
Bên trong phong thư là mẩu viết ngắn cẩn thận đề nghị một cuộc phỏng vấn