quan lại vua chúa. Người Việt cũng thích nói chân đất mắt toét để thóa mạ
nhau nhưng không thích thú nhận rằng ở trên đất Việt, đã làm thường dân
thì chỉ biết mỗi cách là đi bộ. Người nhà quê thì quanh quẩn trong làng chờ
mặt trời mọc, tiễn mặt trời lặn. Đi ra khỏi làng còn khó hơn lên tàu thống
nhất Hà Nội-Sài Gòn. Lấy người làng khác còn phức tạp hơn cưới người
Tây Âu. Từ ngày Đổi Mới, các nhà văn Việt Nam hiện đại rủ nhau quay lại
kể chuyện làng, còn người ở làng thì kéo nhau ra Hà Nội để học làm người
thành thị. Đến năm 2000, năm triệu người đứng chật các phố thủ đô nhưng
không cần phải cố gắng cũng phát hiện được ai là dân quê, ai là dân Hà
Nội. Người đã ở thành phố một thời gian đều thính hơn cả béc dê, nhất là
người bán hàng ngoài chợ chỉ chờ dân nhà quê đến để nâng giá. Người
nông thôn mà ra tỉnh thì ăn mặc rất diện nhưng không sao xóa được gốc
gác của họ trong dáng đi, dáng đứng, trong ánh mắt, cử chỉ, chưa kể đến
giọng nói, từ vựng, chưa kể đến Hà Nội thì thành Hà Lội, chưa kể đến hàm
răng trên bao giờ cũng đưa về phía trước. Bốn nghìn năm nay, từ nhà quê
cứ ra khỏi miệng người dân Việt là trở thành một tính từ đa nghĩa, nghĩa
nào cũng thấp dưới mức trung bình. Nhà thơ Nguyễn Bính mặc cho tình
yêu không bờ bến nguồn gốc không Hà Nội của ông cũng phải thừa nhận
sức quyến rũ của thị thành. Khi ông nói: hôm qua em đi tỉnh về, hương
đồng gió nội bay đi ít nhiều, lập tức tất cả người Hà Nội đều hài lòng, đều
khen ông là nhà thơ lớn của Việt Nam. Người Hà Nội vốn tự hào là người
thanh lịch, da trắng, mảnh dẻ, ăn chậm, nói chậm, không nhầm en nờ và en
lờ. Thanh lịch nhất là khi họ nhường cho người nông thôn toàn bộ nền văn
học Việt Nam cả cổ điển, hiện đại lẫn dân gian lúc nào cũng lấy nông thôn
làm cơ sở địa lý và đạo lý. Nền văn học ấy đếm được phần lớn nhất là
truyện ngắn, phần lớn thứ nhì là thơ, một phần nhỏ nữa là tiểu thuyết và ký
sự, phần còn lại là chuyện vui trong đó phải kể đến gia tài của hai vua cười
Ba Giai và Tú Xuất mà chuyện nào cũng được bắt đầu bằng câu: có một
anh (hoặc chị hoặc ông hoặc bà hoặc cụ) từ nhà quê ra tỉnh. Thực ra người
Hà Nội dùng từ nhà quê để chỉ tất cả những thành phố khác, những vùng
nông thôn khác trên đất Bắc cho đến vĩ tuyến mười bảy cũng như cách
người Sài Gòn chỉ coi Sài Gòn là thành phố duy nhất của mảnh đất dài suốt