không phải là con cua đã đi theo cô suốt tuần lễ vừa qua. Cô không thể làm
việc nổi, chỉ cố nhớ lại khuôn mặt anh còn ngái ngủ lúc chín giờ sáng. Cô
bèn gọi điện cho chồng. Sau khi đã tự giới thiệu là vợ kỹ sư Bình năm lần
với năm cô gái trực điện thoại, cô mới thực sự yên tâm vì cô hình dung rõ
ràng một con cua vẫn còn mệt mỏi ở đầu kia của đường dây. Con cua thông
báo cho cô biết một tháng nữa cua sẽ đi Pháp họp hội nghị viện trợ quốc tế
trong hai tuần. Cô nghĩ ngày mai phải xin phép tòa soạn đi chữa mắt. Buổi
trưa tổng biên tập đến thăm cô, hỏi có phải cô vừa mới khóc không, vì mắt
cô sưng đỏ, khiến cô cảm động quá nước mắt cứ tự động trào ra. Nghĩ một
lúc tổng biên tập bảo ông đang viết một bài nghiên cứu nghiêm túc để gửi
cho một trường đại học bên Pháp, về nông thôn Việt Nam, về quan hệ giữa
nông thôn và thành thị, về Hà Nội, về một làng ngoại thành tên là Quyết
Thắng. Ông muốn mời cô tham gia viết cùng cho đỡ buồn. Ông cũng mời
thêm một người nữa là tác giả của cuốn tiểu thuyết Made in Vietnam trong
đó Phượng là nhân vật chính. Phượng chẳng hiểu gì vì nước mắt chảy nhiều
quá chảy hết cả vào miệng, cô nuốt không kịp. Cô bèn gật đầu đồng ý. Thế
là suốt buổi chiều hôm ấy cô không mở được một chiếc phong bì nào, cũng
không viết được một bức thư trả lời nào. Cả ba người làm việc cho đến tối
mịt. Mỗi người phải viết một câu tiếp theo những người đi trước. Chẳng
hạn, câu thứ nhất của tổng biên tập, câu thứ hai của cô, câu thứ ba của tác
giả cuốn Made in Vietnam, câu thứ tư tất nhiên sẽ là của tổng biên tập, câu
thứ năm lại là của Phượng, cứ như thế cho đến hết. Đến chín giờ tối thì một
bài nghiên cứu nghiêm túc được viết như thế này: Từ Hà Nội đi Quyết
Thắng hai mươi ki lô mét là bốn mươi phút xe máy. Năm 2000, xe máy
Trung Quốc tràn ngập phố phường. Năm 2000, người Hà Nội đi chơi phố
đông không kém gì người Trung Quốc. Cách đây hai mươi năm thì ngay cả
những chiến sĩ từng xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ sống sót về nhà cũng
chẳng đi đâu xa quá năm dãy phố. Nói chung người Việt quá khứ không
thích đi xa nên lịch sử hầu như chẳng để lại cho các thể hệ sau một phương
tiện giao thông nào mang tên Việt dẫu chỉ để đọc trong sách vở hay ngắm
trên tranh dân gian. Người Việt thích nói lên xe xuống ngựa, nhưng không
thích thừa nhận đấy là hai phương tiện giao thông chỉ dành riêng cho giới