đáng gọi là ngu xuẩn. Một bà cô u mê với một đứa cháu điên khùng!
Hiện thời cô tôi đã bình phục, nên cô buộc tôi ở lại nhà ông bà Oai, chờ cô
đích thân đến đón. Và cũng chính cô sẽ điều tra về vụ ông bà Nguyễn văn
Thành có phải là cha mẹ thật tôi không. Nếu có bằng chứng xác nhận, điều
này cô tôi sẽ dọ hỏi nơi ông bà Oai, dù có phải gợi lên những kỷ niệm đau
buồn cho hai nhân vật đáng mến này.
Cô hẹn tôi hôm nào thu xếp việc nhà xong là cô đi ngay và sẽ đánh điện tín
trước cho tôi biết. Trong khi chờ đợi cô khuyên tôi nên ngoan ngoãn ở yên
trong gia đình ông bà Oai đừng làm điều gì thất thố, ngu xuẩn hơn nữa.
Cuối cùng để tôi đỡ nóng ruột, cô gửi cho tôi một bằng chứng mà cô vừa
tìm thấy khi soạn lại những áo quần, tả lót của tôi hồi còn nhỏ: Tấm ảnh
Thánh mẫu Maria với lời kinh cầu viết phía sau mà cô đoán rằng đó là bút
tích của mẹ tôi...
Tôi lật đi lật lại lá thư nhiều lần, tìm kiếm hoài không thấy tấm ảnh thánh
cô tôi nói. Thật vọng nhưng tôi cũng đành mỉm cười thở dài, cho rằng cô
tôi lại mới thêm tật lú lẫn nữa.
Mắt tôi chợt để ý đến một vết nhơ dính ở đầu lá thư. Tôi biết tính cô tôi rất
sạch. Cô không bao giờ để tay bẩn khi ngồi vào bàn viết. Nếu tờ giấy có
vết, cô phải thay ngay tờ khác. Tôi xem kỹ lại mép thư. Nó dính chất đường
phèn, thứ đường người ta hay dùng để nấu chè.
Hôm qua bà Tám cũng nấu chè bằng thứ đường này.
Sau bữa cơm trưa, Tý Việt rủ tôi chơi trò mèo chuột. Bà Oai ái ngại dùm
tôi, nên bà bảo Tý Việt:
- Con phải để cho chị Khánh nghỉ ngơi chứ. Lấy hình ra cho chị Khánh
xem với.
Ông bà Oai trở về phòng riêng. Tý Việt bê ra một hộp đựng đầy hình. Nó
khoe với tôi những tấm hình chụp khi nó còn nhỏ, khi bà Oai còn trẻ, khi
ông Oai còn là kỹ sư một sở mỏ ngoài miền Trung và cũng là thời kỳ ông
bà sinh ra Chương.
Đột nhiên Tý Việt kêu lên:
- Ồ! Những bức hình đó đâu mất cả rồi?
Nó dốc hết hình ra khỏi hộp tìm kiếm. Tôi ngăn lại: