ràng vẫn còn khoái chí. “Nếu việc đó có ý nghĩa với con như thế thì hàng
ngày ta sẽ đến nhà ông thợ Min. Như vậy con đã hài lòng chưa?”
Mộc Nhĩ gật đầu miễn cưỡng. Chuyện này coi như ổn, nó biết bác Sếu sẽ giữ
lời. Bài diễn văn của Mộc Nhĩ đã đạt được kết quả mong muốn, mặc dù
không đúng như cái cách mà nó đã dự tính.
Hai chiếc bình - không phải những chiếc được chọn mang đi - được đóng gói
vào bao rơm để thử. Chúng được nhồi nhét bên trong bằng vải rồi lại được
quấn thêm mấy lớp vải mềm bên ngoài nữa. Rơm mới được xếp giữa hai
chiếc bình và nhồi vào từng khe hở. Vợ chồng ông thợ Min và bác Sếu đứng
nhìn Mộc Nhĩ nhấc chiếc bao rơm lên rồi lấy hết sức bình sinh đập mạnh
xuống đất. Nó lăn qua lăn lại thậm chí đá mạnh vào bao rơm mấy lần.
Ông thợ Min lao tới, tháo khóa móc bằng quả cầu rơm ra. Ông lần sờ vào
bên trong, gật gật đầu hài lòng. Không hề hấn gì. “Tháo bao”, ông lệnh cho
Mộc Nhĩ, rồi đi vào trong nhà lấy hai chiếc bình được chọn ra.
Ông thợ Min vừa quay lưng đi, bác Sếu liều bước tới xem xét chiếc bao rơm
lần nữa. Cả bác cũng hài lòng; rơm bện chắc, có va chạm mạnh đến mấy
cũng chẳng hề hấn gì.
Vì bên trong đựng món hàng quý giá, cái bao rơm được gài chặt vào chiếc
gùi. Một cái chiếu cuộn chặt lại và buộc vào dưới đáy gùi. Hai đôi dép rơm
treo vào một bên gùi; còn bên kia là bầu nước và một cái túi đầy bánh gạo.
Chiếc gùi đã sẵn sàng. Mộc Nhĩ sẽ lên đường vào sáng hôm sau.
Mộc Nhĩ và bác Sếu chơi ném đá thìa lia dưới chân cầu trong ánh chiều
chạng vạng. Trước khi trời sập tối, Mộc Nhĩ chậm rãi lấy trong chiếc túi nhỏ
đeo ở thắt lưng một vật nhỏ và trao cho bác Sếu.