là đối với Mộc Nhĩ. Nó cũng nhắm mắt lại, nín thở và miết đất sét giữa
những ngón tay, cố tìm xem có gì khác giữa lần lọc thứ năm và thứ sáu. Ông
thợ Min cảm nhận được cái gì vậy? Tại sao nó lại không thấy gì hết?
Sư phụ Min không biểu lộ một dấu hiệu hài lòng nào với công việc của học
trò. Ông chỉ lẳng lặng cầm một tảng đất sét lên, phăm phăm đi về nhà, để
thằng bé ở lại tiếp tục công việc gạn nước. Mộc Nhĩ đành bấm bụng nghĩ
rằng thầy mình mới là người làm được một cái gì đó với tảng đất sét ấy và
chiếc bàn xoay.
Ngày trước, vểnh tai hóng chuyện trong làng luôn là một tuyệt chiêu của
Mộc Nhĩ. Chẳng hạn, tin tức về một đám cưới có nghĩa là gia đình nhà gái sẽ
làm cỗ bàn suốt mấy hôm trước lễ vu quy; đống rác nhà họ sẽ là kho báu của
nó trong suốt thời gian ấy. Một thằng cu chào đời, một vị trưởng lão tạ thế...
- những sự kiện như thế sẽ ảnh hưởng đến đống rác trước nhà.
Dĩ nhiên, chẳng ai rỗi hơi đi kể những sự kiện đại loại như thế cho một thằng
bé cầu bất cầu bơ như nó. Sau bao năm, Mộc Nhĩ đã học được cách tìm kiếm
manh mối qua những lời xầm xì quanh những biến cố trong nếp sống thường
nhật của dân làng. Những bao gạo kìn kìn chở đến nhà nào là dấu hiệu báo
trước một bữa yến tiệc sắp xảy ra; hoặc một ông bố say khướt đi liêu xiêu về
nhà một đêm nọ đồng nghĩa với việc vợ ông ta vừa mới sinh quý tử.
Nhảy từ đống rác này sang đống rác khác, dừng lại ở hầu hết các ngôi nhà
trong làng, lắng nghe những mẩu chuyện không đầu không đuôi trên đường
đi - bằng cách đó Mộc Nhĩ nhận thức rõ được thân phận hèn kém của mình.
Mọi người hoàn toàn phớt lờ nó. Thỉnh thoảng, dù trông thấy nó, họ vẫn cứ
nói chuyện như thể chẳng hề có nó trên đời. Còn nó thì mang những câu
chuyện và mẩu tin này về kể cho bác Sếu và bàn xem liệu những tin tức ấy
có thể dẫn đến một bữa ăn tươi hơn cho hai bác cháu hay không.
Bác Sếu thường nói đùa: “Mộc Nhĩ à! Thấy chưa, cái tên của con thật hợp.