Con giống như lỗ tai của cái cây nhỏ khẳng khiu, chẳng ai để ý đến nhưng
lại nghe không thiếu chuyện gì!”
Trong thời gian học nghề gốm, đôi tai lại giúp nó thật đắc lực.
“Hai tháng mới xong một bình hoa!”
“Lão Min đúng là thợ rùa!”
“Một cái bình của lão Min có giá bằng hai con bò mộng, một con ngựa, cộng
với đứa con trai đầu lòng của ngươi đó!”
Đó là những lời bình phẩm thông thường của cánh thợ gốm và cả một số dân
làng. Chỉ là những lời bông đùa hời hợt, nhưng thấp thoáng ý chế giễu. Lâu
dần, Mộc Nhĩ hiểu ra rằng thầy mình nổi tiếng làm việc chậm, rất chậm và
bán giá rất cao. Phải thật lâu ông mới cho ra đời một món đồ. So với những
người thợ gốm khác trong làng, sản phẩm của ông ít hơn nhiều, nhưng giá
bán bao giờ cũng cao hơn. Những gì qua bàn tay ông đều nổi bật vẻ đẹp
riêng, không phải ai cũng có đủ tiền mua.
Chẳng ai kể, nhưng Mộc Nhĩ vẫn biết được rất nhiều chuyện. Chẳng hạn,
thời trai trẻ, sư phụ nó là một trong những thợ gốm thành công nhất ở
Chulpo, chỉ vì quá cầu toàn nên đã bỏ lỡ nhiều thương vụ cung cấp hàng với
tiền công hậu hĩnh. Người mua dần dần chán nản vì phải mỏi mắt chờ đợi
hàng nhiều tháng trời sau khi thời hạn thỏa thuận đã hết. Những lần sau, họ
tìm đến người thợ khác để đặt hàng. Thật ra, vẫn còn có người sẵn sàng chờ
đợi các kiệt tác của ông Min, nhưng số này mỗi năm mỗi ít dần đi.
Ngoài những điều kể trên, ông Min còn nhắm tới mục đích cao hơn nữa:
cung cấp vật phẩm cho hoàng gia; đồ dùng hàng ngày cho nhà vua; những
tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong các cung điện, đền chùa. Và quan trọng
hơn hết là những phẩm vật được triều cống ra nước ngoài để bày tỏ thiện chí
hòa bình và lòng ngưỡng mộ đối với quốc gia lớn nhất thế giới - nước Trung