lấy của ai đó thứ mà người ta không thể cầm trong tay được thì có thể gọi là
ăn cắp không?”
“Này! Đó không phải thắc mắc mà là đánh đố đấy. Thế thứ không cầm được
trong tay là cái gì?”
“Ừm, một... một ý tưởng. Cách thức làm ra cái gì đó.”
“Có phải cách ấy hay hơn những cách hiện đang sử dụng không?”
“Chính thế. Một cách làm mới mẻ có thể giúp một ai đó được mọi người
kính trọng.”
Bác Sếu lại nằm xuống, im lặng lâu đến nỗi Mộc Nhĩ tưởng bác đã ngủ. Nó
thở dài đánh thượt, rồi cũng ngả mình, miên man với bao suy nghĩ trong đầu.
Tác phẩm của ông thợ Min sắc nét và có đẳng cấp hơn sản phẩm của bác thợ
Kang nhiều. Ai ở làng Chulpo này mà không biết điều đó, Mộc Nhĩ cũng
vậy. Sản phẩm dưới tay bác thợ Kang cũng khá tinh xảo - dáng gốm có nét
lắm và màu men lên nước rất đẹp. Nhưng bác ấy lại thiếu kiên nhẫn.
Nung là khâu cuối cùng trong quy trình làm gốm, nó quyết định màu sắc của
men ngọc bích, nhưng khốn nỗi chưa một ai dám nói là mình làm chủ được
nó. Dù các thợ gốm có cố gắng đến thế nào chăng nữa, củi trong lò vẫn
không bao giờ cháy hai lần giống nhau. Khoảng thời gian sản phẩm trong lò
nung, vị trí của nó trong lò, số lượng sản phẩm cho mỗi mẻ nung, thậm chí
cả ngọn gió thổi trong ngày hôm đó - có đến hàng ngàn yếu tố như vậy góp
phần quyết định màu sắc cuối cùng của lớp men.
Chính vì vậy, khi ông thợ Min quyết định cho ra đời một món đồ đặc biệt
nào đó thì ông đâu chỉ chuẩn bị một vài cái mà đôi khi đến cả chục cái. Tất
cả đều giống nhau như đúc khi được đưa vào lò nung, nhưng đến lúc ra lò
chúng lại khác biệt về sắc độ. Nếu mọi chuyện đều suôn sẻ thì sẽ có một