hoặc hai món ánh lên cái sắc xanh của lá non trong suốt trông thật đáng khát
khao; những cái khác có thể đục hơn hay mờ hơn. Trường hợp tệ nhất, một
vài món còn bị nổi những chấm nâu ở chỗ này chỗ kia, hoặc thậm chí có cả
một sọc nâu, làm hỏng độ tinh khiết của lớp men. Chẳng ai lý giải được tại
sao điều này xảy ra, cho nên việc làm nhiều sản phẩm giống hệt nhau là cách
an toàn nhất để bảo đảm ít ra cũng có một món đồ sẽ ra lò với màu xanh
ngọc bích hoàn hảo, không tì vết.
Không chỉ bắt đầu bằng việc nắn nót từng sản phẩm lâu hơn, bác Min còn
làm thêm nhiều bản sao hơn các thợ cả khác. Trong khi đó những món đồ
của bác thợ Kang thiếu mất sự chú tâm chăm chút đến từng chi tiết trong các
quy trình làm gốm lẫn tính cẩn trọng trong công đoạn nung của ông thợ Min.
Con mắt không được rèn luyện có lẽ thấy gần như không có sự khác biệt
giữa thành phẩm của hai người. Nhưng ở Chulpo, mọi cặp mắt đều “có
nghề”.
Và, Mộc Nhĩ tin chắc rằng, cặp mắt của sứ thần cũng sắc sảo không kém.
Triều đình sẽ phái đến đây một bậc thầy rất sành nghề gốm để giao cho
người nào đó sứ mạng cung cấp đồ gốm cho cung đình. Ý tưởng của bác thợ
Kang, dùng nước áo màu đỏ và màu trắng... Liệu một món đồ đẹp đẽ và mới
mẻ như thế có giúp bác được trao cho sứ mạng cung cấp hàng? Nếu quả
đúng như vậy thì Mộc Nhĩ một mực tin tưởng rằng ông thầy của mình sẽ áp
dụng kỹ thuật đó với hiệu quả tuyệt diệu hơn nhiều.
Nhưng ông chủ nó không biết đến phương pháp đó. Và vì vậy mới có chỗ
cho con quỷ thắc mắc quấy quả: Giả dụ Mộc Nhĩ nói cho ông Min biết
những gì nó chứng kiến thì như thế có phải là ăn cắp bí mật nghề nghiệp hay
không?
Giọng bác Sếu đột ngột cất lên khiến Mộc Nhĩ giật thót cả người.
“Nếu ai đó đang giữ một ý tưởng cho riêng mình, mà lại là một sáng kiến có
được một cách lén lút hay do lừa gạt, thì ta gọi đó là của ăn cắp. Nhưng một