Người chịu ảnh hưởng đầu tiên của mấy lời giới thiệu đó, có lẽ là ông
VŨ NGỌC PHAN khi ông viết : « Cao Bá Quát là một quyển truyện ký có
giá trị, soạn giả đã sưu tầm công phu và không một đoạn nào pha lời dị
đoan nào cả ».
Người thứ hai là ông KIỀU THANH QUẾ nhân phê bình cuốn « Hàn-
mặc-tử » của TRẦN THANH MẠI có nhắc đến Cao Bá Quát của TRÚC-
KHÊ : « Trừ những lỗi đã kể, trong văn học quốc ngữ cận đại, quyển «
Hàn-mặc-tử » của Trần Thanh Mại vẫn đáng đặt cạnh những quyển hữu
danh biên tập về thân thế văn chương của bao thi sĩ nước nhà khác, ví như
« Nỗi lòng Đồ Chiểu » của Phan văn Hùm, « Hồ Xuân Hương » của
Nguyễn văn Hanh, « Nguyễn công Trứ » của Lê Thước, « Cao Bá Quát »
của Trúc-khê, « Thi sĩ Tản-đà » của Lê Thanh, v.v… »
MỘT TÀI LIỆU CĂN-BẢN
Có thể nói từ ngày ra đời cho đến bây giờ, quyển « Cao Bá Quát » của
TRÚC-KHÊ nhờ lời giới thiệu ân cần của ông NGUYỄN VĂN TỐ, hãy
còn ảnh hưởng lớn và được dùng làm tài liệu căn bản để kê cứu một khi
muốn viết về Cao Bá Quát. Nói chung, dầu tác giả có viện dẫn xuất xứ rõ
ràng hay không, người đọc cũng dễ nhận ra được điều đó, vì sự lặp lại
những chi tiết, những giai thoại đúng cũng như sai trong tác phẩm của
TRÚC-KHÊ để lập luận, nhận định, phê phán mà không có đáng kể về mặt
tài liệu. Chẳng hạn như về cái chết của CAO BÁ QUÁT, các sách « Đại-
Nam Chánh biên Thực lục », « Đại-Nam Chánh biên liệt truyện » (có kê
trong thư mục tham khảo của ông TRÚC-KHÊ), « Quốc triều hương khoa
lục » đều chép là CAO BÁ QUÁT chết trận. Nhưng ông TRÚC-KHÊ luận
rằng :
« Song xem những ký tái của các tư gia và hợp với truyền thuyết của
các cố lão thì ông bị bắt sống rồi trảm khiêu chứ không phải là chết trận. Vì
thấy cái thuyết bắt sống có nhiều chứng cớ hơn, nên ở đây tác giả đi theo
thuyết ấy. » (Cước chú số 1, trang 95).