II. MỘT TÀI LIỆU CĂN BẢN
TẠI SAO PHẢI NHẮC ĐẾN ỨNG-HÒE NGUYỄN VĂN TỐ KHI
ĐỀ CẬP QUYỂN « CAO BÁ QUÁT » CỦA TRÚC-KHÊ ?
Vào cuối năm 1940, nhà xuất bản Tân-dân ở Hà-nội có cho phát hành
một quyển danh nhân truyện kí của TRÚC-KHÊ (NGÔ VĂN TRIỆN) tựa
là « Cao Bá Quát ». Năm 1952, tác phẩm này được TRÚC-KHÊ thư xã tái
bản ở Hà-nội theo bản cũ, gồm 151 trang.
Tập sách tuy mỏng (trừ phần trích dịch còn lại chỉ có 100 trang)
nhưng được ông ỨNG-HÒE NGUYỄN VĂN TỐ đề tựa cẩn thận, lại thêm
có Hậu tự của LÊ THANH (1913-1947) nữa.
Ông N.V.T (1889-1947) là người đồng bối với TẢN-ĐÀ, PHẠM
QUỲNH, NGUYỄN VĂN VĨNH. Ông được chọn làm việc tại Viễn-đông
bác cổ học viện ở Hà Nội và được cả giới trí thức cả Nam lẫn Pháp nể nang
về tài học. Trước năm 1945, tuần báo « Indochine » của Pháp gọi ông là
một « érudit » (bác học) nhân dịp ông được trao tặng một huy chương gì
đó.
Một giáo sư người Pháp đã nói với LÊ THANH như thế này hồi năm
1936 : « Xứ Bắc-kì có ba người thông minh đáng chú ý : Ông Phạm
Quỳnh, ông Nguyễn Văn Vĩnh và ông Nguyễn Văn Tố. Tôi đọc văn của cả
ba ông – cả Pháp văn và Quốc văn – trong nhiều tờ báo. Nếu người ta bắt
tôi phê bình ba người, chắc tôi phải kết luận bài phê bình của tôi rằng : «
Tôi cảm phục ông Quỳnh, tôi thương ông Vĩnh và yêu ông Tố. (…) Ông
Nguyễn Văn Tố có những đức tính hoàn toàn Việt-nam, tựa hồ như một
người đàn bà Việt-nam xưa, vừa có duyên vừa đức hạnh, ở một vùng quê
xa, chưa biết văn minh mới là gì. »
Hồi còn nhỏ, nhà văn THIẾU-SƠN có học qua lớp Pháp văn do ông
NGUYỄN VĂN TỐ đảm trách. Ông THIẾU-SƠN đã khiếp phục cái tính