cường ký của người thầy. Có cái trí nhớ phi thường đó lại làm việc tại một
kho tài liệu quý giá như Viễn-đông bác cổ học viện nên thời bấy giờ, ông
được coi là một người có sở học uyên bác hiếm có trong địa hạt cổ học
Đông-phương. Ông nói có sách, mách có chứng với những tài liệu cũ mới
có sẵn bên tầm tay, viện dẫn tờ a, tờ b trong cổ thư rất chi li. Phép dẫn
chứng bắt buộc phải như vậy nhưng có lẽ vì không hiểu hay vì muốn đùa
mà có người gọi ông là « ông tờ a, tờ b ». Ông bỉnh bút thường xuyên cho «
Tri Tân » tạp chí trong suốt những năm 1941-1945. Có số, ông « bao sân »
trên tờ tạp chí này. Khi có một tác phẩm thuộc loại văn học hay lịch sử mới
xuất hiện trên kệ các nhà sách, là độc giả yên tâm chờ đợi tiếng nói của ông
NGUYỄN VĂN TỐ trên tờ Tri Tân. Khoảng hai mươi bài phê bình của
ông về cuốn « Việt-nam văn học sử yếu » (1944) gom lại cũng đủ in thành
một tập sách được. Tuy ông không có một tác phẩm nào được in thành
sách, nhưng ông có công rất lớn trong việc đính chánh những điều sai lầm
trong sách vở thời bấy giờ. Riêng kẻ viết những dòng này chỉ tiếc cho ông
có một điều là trong dịp tranh luận với tờ « Thanh Niên » ở Sài-gòn về
những chữ « thà » với « chẳng thà », ông có giọng văn tỏ ra mất bình tĩnh
(Tri Tân, số 136, 30-3-1944).
Nói chung uy tín của ông rất lớn nhờ ở tài năng, đức độ. Đó là một
điều rất đáng quí nhưng đồng thời cũng có thể có hại trong một vài trường
hợp nào đó. Cá nhân con người ông NGUYỄN VĂN TỐ siêu hạng như vậy
mà đề tựa cho cuốn « Cao Bá Quát » thì phải biết ý kiến của ông nặng cân
lắm :
« Muốn biết thân thế ông, tôi xin giới thiệu quyển sách của ông Trúc-
khê Ngô Văn Triện. Ông Trúc-khê đã tra cứu tài liệu ở Viện Bác-cổ, biên
thành một quyển tiểu sử rất công phu, lời văn chải chuốt, câu chuyện phân
minh, xem có phương pháp ổn đáng, không thể dị nghị vào đâu được » (…)
« Dù thế nào chăng nữa, tôi cũng xin nhường độc giả phán đoán. Chỉ
vì ưa đọc những sách chép lịch sử các bậc tiền bối, nên tôi đề tựa này,
mong độc giả thưởng thức cái tài của một danh nho do ông Trúc-khê đã dầy
công nghiên cứu và giảng giải. » (tr. 5-6).