toàn đảng, để chứng tỏ đây là Chu giới thiệu Giang Thanh kế tục,
chứ không phải Mao thực hiện gia đình trị. Còn nếu Chu tiếp nhận
quyền lực, ông sẽ bị đánh đổ. Chu lựa chọn đáp án thứ ba: lần lữa
kéo dài thời gian. Mấy ngày sau, sức khoẻ của Mao ổn định, Chu
trịnh trọng nói với Phó Văn phòng Trung ương Trương Diệu Từ:
- Nhờ đồng chí báo cáo Chủ tịch, chúng tôi vẫn làm việc dưới sự
lãnh đạo của Người.
Từ khi xảy ra vụ Lâm Bưu, Chu giúp Mao cứu vãn cuộc khủng
hoảng chính trị lớn nhất của chính quyền ĐCSTQ, tiếp đó mở ra
cục diện mới trong quan hệ Trung-Mỹ, chỉnh lại hướng đi đúng
cho sự phát triển của nước cộng hoà trong tương lai, lập nên công
trạng lớn mọi người đều biết. Nhưng Mao lại coi Chu là trở ngại
lớn nhất cho việc thiết lập vương triều họ Mao, công lớn không
thưởng, mà tăng cường hãm hại. Qua các tư liệu tham khảo của
Tân Hoa Xã, Mao lo ngại thấy từ xử lý vụ Lâm Bưu đến đón tiếp
Nixon, uy tín của Chu đã vượt mình ở cả trong nước và trên trường
quốc tế. Cộng thêm trước đó Chu không có câu trả lời khiến Mao
hài lòng trong màn kịch “trao quyền”, Mao quyết tâm trị Chu.
Ngày 18-5-1972, các bác sĩ phát hiện Chu bị ung thư tế bào
thượng bì bàng quang. Các chuyên gia cho trọng bệnh tình còn ở
giai đoạn đầu, nếu sớm trị liệu, khả năng khỏi bệnh là 80 đến 90%.
Nếu bỏ lỡ cơ hội, để phát triển thành ung thư bàng quang giai đoạn
cuối, thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tổ điều trị báo cáo lên
Trung ương phương án điều trị sớm. Mấy ngày sau, Uông Đông
Hưng truyền đạt chỉ thị 4 điểm của Trung ương, thực tế là của
Mao:
1. Phải giữ kín, không cho Thủ tướng và phu nhân biết;
2. Không kiểm tra;