Trước khi công bố trên thông báo của Viện hàn lâm khoa học Pháp
việc khám phá ra một chất phóng xạ mới trong quặng pêch-blen, Ma-ri đã
gửi bản thảo về Tổ quốc của mình cho Dô-dếp Bô-gu-xki, phụ trách phòng
thí nghiệm của Bảo tàng kĩ nghệ và Nông lâm, nơi khi xưa Ma-ri đã từng
làm thí nghiệm đầu tiên. Thông báo này được đăng ở Vác-xô-vi “Tạp chí
Ánh sáng” (Swiatlo), đồng thời đăng ở Pa-ri.
*
* *
Trong ngôi nhà ở phố Nhà máy nước đá, cuộc sống không có gì thay
đổi. Ma-ri và Pi-e làm việc hơn mọi lúc, thế thôi. Hè đến, nóng nực, Ma-ri cố
thu xếp thì giờ đi chợ mua hàng giỏ trái cây về và như thường lệ, đem nấu
mứt để dành đến mùa đông, theo cách vẫn quen làm ở nhà Qui-ri.
Sau đó, Ma-ri đóng các cửa sổ, đem hai xe đạp ra ga Ooc-lê-ăng.
Như trăm nghìn phụ nữ Pa-ri khác, bà đi nghỉ hè với chồng và con.
Họ thuê một nhà nông dân ở làng O-ru xứ O-vec. Không khí thôn
quê trong lành dễ chịu biết bao so với khói và hơi độc ở phố Lô-mông! Pi-e
và Ma-ri chơi rất nhiều nơi. Hết lên dốc lại xuống dốc, hết đi thăm ruộng lại
đi tắm sông. Hằng ngày ở thôn quê, vẫn bàn đến “Những kim khí mới”, đến
Pô-lô-ni, và các chất thứ hai đang cần phải tìm. Để đến tháng chín, lại về với
cái kho ẩm thấp và những mảnh quặng xám xịt và tiếp tục tìm tòi, thí nghiệm
với một niềm hăng say mới.
Một nỗi buồn làm giảm thú vui say mê với công việc của Ma-ri. Anh
chị Du-xki sắp rời Pa-ri, để trở về Ba Lan mở một an dưỡng đường cho
người lao ở vùng núi Za-kô-pan. Hai chị em lưu luyến chia tay nhau, lòng
buồn rười rượi. Ma-ri mất một người bạn, một người đỡ đầu, và lần đầu tiên
thấm thía sâu sắc cảnh tha hương.
Ma-ri biên thư cho chị ngày 2 tháng 12 năm 1898:
“ Chị không thể tưởng tượng được sự trống trải mà chị để lại. Hai
anh chị đi, em đã mất những gì em gắn bó nhất ở Pa-ri ngoài chồng con ra.
Giờ đây, Pa-ri đối với em chỉ còn là cái nhà của chúng em và cái trường,
nơi chúng em làm việc. Chị hỏi hộ em bà cụ Du-xka rằng cái cây xanh mà cụ
để lại có phải tưới không, và mỗi ngày mấy lượt? Nó có cần ánh sáng mặt