“Em sửng sốt đến nỗi chả có can đảm để viết cho ai cả. Em đã đinh
ninh sẽ có đứa con đó, nên không tự an ủi được. Chị xem có phải là do suy
nhược không. Vì phải thú nhận rằng em không biết giữ sức. Em quá tin ở cơ
thể mình và bấy giờ mới hối, vì đã phải trả giá quá đắt điều đó. Một đứa bé
gái, lanh lẹn và đáng lẽ có thể sống mà em thì đang mong mỏi biết chừng
nào!”
Ít lâu sau, lại có tin buồn từ Ba Lan. Đứa con trai thứ hai của Brô-ni-a
đau màng óc, chỉ vài ngày là chết.
Ma-ri viết thư cho anh Dô-dếp:
“Tai hoạ xảy ra đến với anh chị Du-xki làm em hết sức đau xót.
Cháu thật hồng hào khoẻ mạnh. Chăm sóc hết mức mà còn không giữ được
một đứa bé như thế thì mong gì giữ được đứa khác và nuôi chúng? Em
không thể nhìn thấy đứa con gái em mà không run lên vì sợ. Nỗi đau đớn của
chị Brô-ni-a như cắt xé lòng em”.
Những đau buồn đó làm tăm tối cuộc đời của Ma-ri đang bị xâu xé
bởi một mối lo âu nghiêm trọng nhất: Pi-e không khoẻ. Pi-e bị những cơn
đau quằn quại, làm cho ông ủ rũ đáng sợ. Vì thiếu triệu chứng cụ thể, thầy
thuốc cứ cho là thấp khớp. Nhiều lần đau dữ dội quá, Pi-e rên suốt đêm, Ma-
ri hoảng sợ, cũng thức trắng để chăm sóc. Thế mà Ma-ri vẫn dạy học ở Xe-
vrơ, Pi-e cần phải hỏi bài sinh viên và trông coi họ thực tập, và hai nhà vật lý
vẫn tiếp tục những thí nghiệm tinh vi, dù thiếu nơi làm việc như ý.
Một lần, một lần thôi, Pi-e thốt ra một lời than vãn. Ông nói rất nhỏ:
- Kể ra thì con đường chúng ta chọn vất vả thật đấy!
Ma-ri định nói lại nhưng không giấu nỗi lo ngại của mình. Pi-e mà
nản đến thế phải chăng vì quá suy nhược? Biết đâu chẳng do một bệnh hiểm
nghèo không hòng cứu chữa? Còn bản thân mình, không biết sẽ khắc phục
nổi những sự mệt mỏi ghê gớm của mình không? Hàng mấy tháng nay, ý
nghĩ về cái chết cứ lởn vởn trong đầu Ma-ri và ám ảnh bà.
Ma-ri gọi:
- Pi-e.