đang ở đâu đâu, dường như những lời chúc tụng dành cho ai chứ không phải
cho ông. Ma-ri rất ngượng ngùng, vì bao con mắt đang dồn về mình, như
nhìn một con vật kỳ lạ: một nhà vật lý đàn bà.
Ma-ri mặc một chiếc áo màu xẫm, chỉ hơi hở cổ, đôi bàn tay bị a-xít ăn
không mang găng, ngay cả đến chiếc nhẫn cưới cũng không có. Xung quanh
bà những chuỗi kim cương đẹp nhất của Đế quốc Anh lấp lánh trên các cổ để
trần. Ma-ri nhìn ngắm các đồ trang sức ấy một cách thích thú thật sự và ngạc
nhiên nhận thấy Pi-e xưa nay vẫn lơ đãng, mắt cũng không rời những chuỗi
kim cương.
Chiều về, khi thay áo, Ma-ri nói
– Em không ngờ lại có những trang sức như thế, thật là đẹp!
Nhà vật lý cười và nói:
– Em biết không, trong bữa tiệc, ngồi rỗi anh tìm ra một trò chơi.
Thử tính xem số kim cương đeo trên cổ mỗi bà khách có thể xây dựng bao
nhiêu phòng thí nghiệm. Đến lúc đọc diễn văn, kết quả đã thành một con số
kinh khủng.
Vài ngày sau, ông bà Qui-ri trở lại Pa-ri, về với cái nhà xe ghép ván.
Chuyến đi Lơn-đơn đã đem lại cho hai nhà bác học nhiều quan hệ kết giao
chặt chẽ và cộng tác thiết thực. Pi-e sắp sửa cho in cùng với một đồng
nghiệp người Anh – một công trình về các khí tỏa ra do muối Ra-đi Brô-
mua.
Dân tộc Ăng-lô Xác-xông thường trung thành với những ai đã làm cho
họ khâm phục! Tháng 11-1903 đến lượt Học viện Hoàng gia Anh công bố
tặng Pi-e và Ma-ri Qui-ri huân chương Đê-vi là một trong những phần
thưởng cao quí nhất của học viện này.
Ma-ri không khỏe nên Pi-e đi dự lễ một mình. Pi-e mang từ nước Anh về
một huân chương nặng bằng vàng, có khắc tên hai vợ chồng. Thoạt tiên, Pi-e
còn tìm chỗ để cất trong gian nhà ở đại lộ Kê-léc-man, vụng về nâng lên đặt
xuống, để thất lạc rồi lại tìm thấy rồi bỗng nghĩ ra một cách: Pi-e giao chiếc
huân chương ấy cho con gái là I-ren giữ, lúc này I-ren mới sáu tuổi, chưa khi
nào cô bé vui thích bằng được giữ cái đó.
Mỗi lần bạn bè đến thăm, nhà bác học chỉ đứa bé đang mải mê với cái đồ
chơi mới đó.