– I-ren thích “đồng xu to” của nó lắm – ông kết luận.
Hai cuộc hành trình ngắn ngủi rạng rỡ, một cô bé chơi với một đĩa
nhỏ bằng vàng... Đây là đoạn nhạc mở đầu của bản giao hưởng mà cao trào
đang tới gần.
*
* *
Lần này người nhạc trưởng đã bắt nhịp từ Thụy Điển.
Ngày mồng mười tháng Chạp 1903, Hàn lâm viện Khoa học Xtốc-khôm
(Stockholm-NS) họp trịnh trọng toàn thể, công bố giải thưởng Nô-ben
(Nobel-NS) về vật lý năm ấy, tặng một nửa cho Hăng-ri Bếch-cơ-ren (Henri
Becquerel-NS) và một nửa cho ông bà Qui-ri về việc khám phá ra phóng xạ.
Cả Pi-e và Ma-ri đều không đến dự buổi lễ. Đại sứ Pháp thay mặt họ
nhận bằng và huy chương vàng tự tay Vua Thụy Điển trao.
Pi-e và Ma-ri không đi lần này vì đường xa, lại vào giữa mùa đông, hai
người đang yếu mệt và bận nhiều việc.
Giáo sư O-ri-vi-li-uýt viết cho ông bà Qui-ri ngày 14 tháng một năm
1903:
“Kính gửi ông bà Qui-ri,
Hân hạnh báo cho ông bà bằng điện tín, Hàn lâm viện Khoa học Thụy
Điển họp ngày 12 tháng Một đã quyết định tặng ông bà một nửa giải thưởng
Nô-ben về Vật lý năm nay để tỏ lòng tán thưởng công trình đặc biệt của ông
bà về tia Bếch-cơ-ren.
Mười tháng Chạp vào buổi họp toàn thể rất long trọng sẽ công bố nghị
quyết ấy.
Hàn lâm viện Khoa học kính mời ông bà đến dự buổi họp đó, để tự tay
nhận phần thưởng.
Theo khoản 9 điều lệ thành lập giải thưởng Nô-ben, trong vòng 6 tháng
sau cuộc họp này, ông bà cần làm một bản thuyết trình về công trình được
tặng thưởng ở Xtốc-khôm. Nếu ông bà đến Xtốc-khôm vào dịp đó, tốt hơn hết
là ông bà hãy làm ngay thủ tục này vào mấy ngày đầu sau cuộc họp.
Hàn lâm viện sẽ rất hân hạnh được đón tiếp ông bà ở Xtốc-khôm, xin
nhận ở đây những lời chúc mừng thành thật nhất của tôi”.