Nhưng, có ngay câu trả lời mong mỏi:
– Cha thích sống với con, Ma-ri, mãi mãi...
Cụ còn muốn nói thêm: “Vì con cũng ưng như thế...”, nhưng quá xúc
động, cụ không nói ra lời. Cụ vội quay đi, bước nhanh ra vườn với bé I-ren,
đang mừng rỡ gọi ông nội.
Một bà góa, một cụ bảy mươi chín tuổi, hai đứa trẻ, mà một mới chập
chững đi, đó là gia đình Qui-ri bây giờ.
*
* *
“Bà Qui-ri, quả phụ của nhà bác học nổi danh mà ai cũng biết cái
chết thảm khốc, được bổ nhiệm thay chồng là giáo sư Pi-e Qui-ri ở trường
đại học Xoóc-bon, sẽ giảng bài đầu tiên vào ngày thứ hai mồng năm tháng
một 1906, hồi một giờ rưỡi trưa.
Bà Qui-ri, trong buổi dạy mở đầu này, sẽ nói về thuyết i-ông trong
các khí và sự phóng xạ.
Buổi khai giảng sẽ làm ở một “giảng đường lên lớp”. Những giảng
đường này chỉ có độ một trăm hai mươi chỗ, dành cho sinh viên. Công
chúng và nhà báo cũng được đến nghe, nhưng chỉ còn độ hai mươi chỗ...
Trong trường hiện nay, trường hợp duy nhất của lịch sử trường Xoóc-bon
liệu có thể vi phạm nội quy và để bà Qui-ri được sử dụng giảng đường lớn
trong buổi giảng đầu tiên của bà?”
Mấy đoạn trích ở các tờ báo đương thời phản ánh sự quan tâm và náo
nức của công chúng Pa-ri chờ đón buổi ra mắt đầu tiên của người quả phụ
nổi danh. Phóng viên nhà báo, giới quý phái thượng lưu, phụ nữ đẹp, những
nghệ sĩ đổ xô đến phòng giáo vụ của trường Đại học Khoa học phàn nàn vì
không được “giấy mời”. Phải chăng chỉ có lòng đoái thương hoặc sự khao
khát học hỏi? Họ thiết gì cái thuyết “những i-ông trong không khí”? Và nỗi
đau khổ của Ma-ri trong cái ngày tàn ác này, chỉ như thêm gia vị cho sự tò
mò của họ. Ngay sự đau thương cũng có những kẻ hiếu kỳ!
Lần đầu tiên, một phụ nữ sẽ giảng ở Xoóc-bon, một phụ nữ đồng thời
lại là một thiên tài và một người vợ tuyệt vọng. Đối với lớp công chúng của
những “buổi diễn giảng đầu tiên”, đó chính là điều hấp dẫn nhất.
Trưa hôm ấy, trong khi Ma-ri còn đứng trước mộ, ở nghĩa địa tại Xô,