Ngày hôm sau, Ma-ri lại như con người máy, vô tri đã thay bà đi
đứng và làm việc kể từ ngày 19 tháng Tư. Và cũng chính là một con người
máy mà Brô-ni-a ôm hôn từ biệt, đứng lặng trên sân ga, trong tấm voan đen
tang tóc còn ám ảnh Brô-ni-a mãi sau này.
Một “cuộc sống bình thường” trở lại còn tràn ngập bao kỷ niệm thắm
thiết của Pi-e. Có những chiều, nghe tiếng cửa mở, Ma-ri thoáng có ý nghĩ
điên cuồng trong khoảnh khắc, rằng Pi-e Qui-ri sắp hiện ra trước mặt mình
và tai nạn vừa qua chỉ là một cơn ác mộng.
Chung quanh Ma-ri, già hay trẻ, đều tỏ ra trông mong. Ai nấy chờ
đợi ở Ma-ri những dự định, một kế hoạch về tương lai. Người quả phụ ba
mươi tám tuổi ấy, mệt mỏi rã rời vì đau khổ, giờ đây phải gánh vác cả một
gia đình.
Bà quyết định ở lại Pa-ri trong mùa hè để làm việc ở phòng thí
nghiệm và để chuẩn bị cho việc giảng dạy sẽ khai mạc vào tháng Mười Một.
Làm sao cho xứng đáng với bài giảng của Pi-e Qui-ri! Ma-ri thu thập các
sách vở của mình, sưu tầm những tài liệu do nhà bác học để lại. Một lần nữa,
bà lao vào học tập nghiên cứu.
Những ngày hè buồn thảm ấy, hai con gái về ở thôn quê; E-vơ đến
chỗ ông nội ở Xanh Rê-mi trên sông Xen; I-ren ra bãi biển với bác Hê-la, chị
thứ hai của Ma-ri, sang Pháp để giúp đỡ em.
Thu đến, Ma-ri tìm một chỗ ở mới, vì không thể ở mãi đại lộ Kê-léc-
man. Bà muốn chuyển về Xô, nơi xưa kia Pi-e từng sống khi hai người gặp
nhau – và giờ đây là nơi Pi-e an nghỉ.
Khi bàn đến vấn đề này, cụ bác sĩ Qui-ri, có lẽ lần đầu tiên trong đời,
ngượng ngùng lại gần con dâu:
– Ma-ri con, nay Pi-e đã khuất, con chẳng có lý do gì mà sống với
một lão già. Cha sẵn sàng đi nơi khác ở một mình, hoặc về với Giắc. Ý con
thế nào?
– Cha mà đi thì làm cho con buồn. Nhưng xin tùy cha!
Giọng Ma-ri nghẹn ngào vì lo âu. Chẳng lẽ lại mất nốt người bạn
trung thực này ư? Rất có thể cụ bác sĩ Qui-ri sẽ đến ở với Giắc, chứ không
sống với con dâu nước ngoài người Ba Lan, mà việc đó cũng hợp tình, hợp
lý...