như ngày nay – nhưng dạo ấy còn trẻ và tràn đầy hy vọng vô tư. Hoặc bà đi
đi lại trong phòng thí nghiệm, nhấm mấy miếng bánh mì, một ít hoa quả.
Chiều tối thường rất muộn, bà lại đáp xe lửa trở về, đến nhà thì đã lên
đèn. Mùa đông, việc đầu tiên của bà là sưởi to ở phòng ngoài, cho thêm than
củi, đinh ninh rằng, ngoài mình ra, không còn ai trên đời biết nhóm một
ngọn lửa cháy hồng. Thật thế, Ma-ri biết xếp giấy, xếp củi đóm và chất
những cục than hoặc củi thanh, như một nghệ sĩ, như một nhà hóa học. Khi
lò đã reo lên vừa ý mình, bà ngả lưng trên chiếc trường kỷ để thở sau một
ngày kiệt sức.
Vốn tính quá thầm kín, không muốn để lộ nỗi buồn riêng, Ma-ri
không hề cho ai biết mình khóc, không cần đến ai đoái hoài hoặc khuyên
giải. Không một ai biết những cơn thất vọng và mê sảng ghê sợ thường đêm
đêm giầy vò Ma-ri. Những họ hàng thân thuộc rất đỗi ái ngại, thấy cặp mắt
lờ đờ kia cứ trân trân trong khoảng không, và đôi bàn tay đã bắt đầu có tật cứ
luôn luôn động đậy mấy ngón bao lần bị chất Ra-đi làm bỏng, thành thói
quen không bỏ được.
Những năm buồn thảm ấy, có hai người giúp đỡ Ma-ri. Đó là Ma-ri-a
Ca-miên-xka, em vợ Dô-dếp, nhã nhăn dịu dàng, theo lời khẩn khoản của
Brô-ni-a đã nhận làm cô giáo và quản lý cho gia đình Qui-ri.
Cô gái Ba Lan này đem lại cho Ma-ri một chút tình đồng hương thắm
thiết, mà vì xa quê hương đã lâu bà cảm thấy rất thiếu. Sau này, khi cô Ca-
miên-xka vì ốm yếu phải trở về Vác-xô-vi, bà Qui-ri vẫn tìm nữ quản gia
người Ba Lan để trông nom I-ren và E-vơ, tuy không được tin cẩn, duyên
dáng như cô Ca-miên-xka.
Một người Ma-ri quí đặc biệt là cụ bác sĩ. Đối với cụ, Pi-e mất đi là
một thử thách ghê gớm. Nhưng cụ vốn theo thuyết duy lý cứng rắn và rút ra
được ở đó một phần nào can đảm mà con dâu cụ thiếu hẳn. Cụ cho luyến tiếc
là vô ích, cụ không đi thăm viếng mồ mả. Sau đám tang, không bao giờ quay
trở lại nghĩa trang nữa. Ở cụ, Pi-e đã chết là hết, cụ không để một bóng ma
giày vò.
Sự bình thản, can trường đó có tác dụng tốt đến người quả phụ trẻ.
Trước mặt bố chồng, đang cố sống một cách bình thường, thanh thản, Ma-ri
thấy xấu hổ về sự bạc nhược, ủ rũ của mình. Và bà cũng lại cố tỏ ra nguôi
dịu.
Có cụ, Ma-ri cảm thấy dễ chịu. Cụ cũng là nguồn vui đối với các
cháu gái. Không có cụ già có đôi mắt xanh, có lẽ tuổi thơ ấu của hai đứa trẻ