trường trung học thể thao và đoạt được ở đây nhiều giải thưởng đáng tự hào
về thể thao dụng cụ.
Chúng còn làm vườn, tập nặn, làm bếp, khâu vá. Dù có mệt đến mấy,
Ma-ri cũng cố gắng cùng hai con đi chơi xe đạp. Mùa hè, Ma-ri cùng đi bơi
với các con và theo dõi những tiến bộ về bơi lội của chúng.
Ma-ri không thể rời Pa-ri được lâu, nên trong những tháng nghỉ hè I-
ren và E-vơ được bác Hê-la trông nom. Bà thường dẫn hai cháu cùng với
mấy con gái mình đi nghỉ mát ở những bãi biển ít người lui tới trên bờ biển
Măng-sơ hoặc bờ Đại Tây dương.
Năm 1911, ba mẹ con về thăm Ba Lan lần đầu tiên. Bác Brô-ni-a mời
hai cháu gái đến ở an dưỡng đường của mình. Các cô bé tập cưỡi ngựa, đi
chơi núi, leo núi hàng mấy ngày liền, ở nhà lều của thổ dân. Ba-lô trên lưng,
chân đi giầy đinh, Ma-ri thường đi trước hai con trên những nẻo đường mòn.
Tuy không khuyến khích các con làm những việc mạo hiểm, liều lĩnh
dại dột, nhưng người mẹ dũng cảm đó muốn chúng được mạnh dạn, không
có nhưng biểu hiện yếu đuối như “sợ bóng tối”, rúc đầu vào gối khi có giông
bão, hoặc sợ trộm, sợ định mệnh. Xưa kia, Ma-ri đã từng sợ hãi như vậy, nên
muốn giải thoát các con gái khỏi tâm trạng đó. Ngay cái chết vì tai nạn của
Pi-e cũng không làm bà trở thành quá sợ sệt, gìn giữ hai con gái. Mới mười
một, mười hai tuổi chúng đã được phép ra ngoài một mình. Rồi đây, chúng
sẽ đi du lịch mà không cần ai đi cùng.
Ma-ri cũng chăm lo đến sức khỏe tinh thần của chúng, cố gắng tránh
cho chúng những mơ màng nhớ nhung, đa sầu, đa cảm. Không bao giờ người
mẹ góa nói với hai đứa con về bố chúng. Cho đến ngày cuối cùng của đời
mình, họa hoằn lắm Ma-ri mới nhắc đến mấy tiếng “Pi-e” hoặc “Pi-e Qui-ri”
hoặc “cha con”, hoặc “nhà tôi,” và trong câu chuyện, để tránh những kỷ
niệm cũ, Ma-ri thường dùng những cách nói lảng không thể tưởng tượng
được. Ma-ri không lấy thế làm có lỗi với hai con và nghĩ rằng thà để chúng
chịu thiếu, bản thân mình thiếu đi những cảm xúc cao quý, còn hơn là làm
cho chúng chìm đắm vào một bầu không khí u sầu.
Ma-ri không làm lễ rửa tội cho hai con gái. Và không cho chúng học
kinh bổn. Bà thấy không thể dạy cho chúng những giáo điều mà bản thân
mình không tin tưởng nữa. Bà sợ nhất cái quẫn của tâm hồn mà mình đã phải
trải qua khi mất lòng tin. Nhưng lại rất tôn trọng tự do tín ngưỡng, bà đã
từng nhiều lần nói với các con rằng nếu sau này chúng có muốn theo đạo, bà
sẽ để chúng hoàn toàn tùy ý.