Vui lòng thấy các con không biết đến thời thơ ấu vất vả, tuổi thiếu
niên thiếu thốn và thời thanh niên nghèo khó mà mình đã trải qua, nhưng bà
không mong chúng sống cảnh giầu sang. Trong nhiều trường hợp, Ma-ri có
thể đảm bảo cho hai con gái một gia tài lớn. Bà đã không làm như vậy. Khi
đã là quả phụ, bà phải quyết định về quy chiết cái gam Ra-di mà Pi-e và bà
tự tay làm ra và giờ đây thuộc quyền sở hữu của bà. Mặc dầu cụ bác sĩ Qui-ri
và nhiều người trong hội đồng gia tộc có ý kiến khác, bà quyết định tặng
phòng thí nghiệm mà bà phụ trách mảnh kim loại quý báu ấy, trị giá hơn
triệu Phơ-răng.
Trên nhận thức tư tưởng của Ma-ri nghèo thì khó chịu, nhưng rất
giầu thì thừa và chướng. Hai con gái mình sau này có phải tự kiếm sống là
điều lành mạnh và tất nhiên.
Chương trình giáo dục xếp đặt công phu chu đáo ấy, chỉ còn thiếu
một điểm phép lịch thiệp xã giao. Từ khi Pi-e không còn nữa Ma-ri không
muốn tiếp khách khứa, trừ một số quen thân như Ang-đrê Đờ-biếc-nơ, gia
đình Pe-ranh, gia đình Sa-van… Ngoài những người bạn thân ái và thông
cảm ấy, I-ren và E-vơ không hề tiếp xúc với ai. Vì vậy, trước người lạ, I-ren
rất nhút nhát và nhất định không chịu nói “Chào bà, chào bác”, mãi sau này,
vẫn giữ tính nết ấy.
Tươi cười lịch thiệp, đến thăm hỏi người này, ở nhà tiếp người kia,
nói những câu xã giao, có những cử chỉ đi đứng theo đúng nghi thức, đều là
những kỳ công mà I-ren và E-vơ không hề làm được. Mười năm, hai mươi
năm nữa, các cô sẽ thấy rằng cuộc sống trong xã hội có những đòi hỏi của
nó, những cung cách của nó, câu nói “chào bà” tiếc thay lại là một việc cần
thiết.
*
* *
I-ren đã đỗ bằng tiểu học và đến tuổi vào trường trung học. Ma-ri
muốn dạy con gái theo một phương pháp mới: học ít nhưng học tốt. Bà suy
nghĩ rồi bàn với một người bạn, cũng là giáo sư ở Xoóc-bon và cũng có con
nhỏ. Do bà gợi ý và vận động nẩy ra một đề án hợp tác giáo dục, trong đó
các nhà tư tưởng lớn đương thời sẽ áp dụng một lối dạy dỗ mới cho các con
em họ, họp lại.
Một cuộc sống rất hấp dẫn và thoải mái mở ra cho độ một chục trẻ