nhưng không thực hiện được.
Ma-ri mỉm cười và bảo :
– Tôi thì tôi bắt đầu tìm một cái nắp đậy.
Sau những lời nói rất nội trợ ấy, buổi học hôm thứ năm đó chấm dứt.
Cửa đã mở, một chị giúp việc mang lên một khay đồ sộ bánh sừng bò, thỏi
Sô-cô-la và cam.
Vừa nhai vừa bàn tán, mấy đứa trẻ tản ra sân trường. Các báo hàng
ngày từ trước đến nay vẫn rình đón từng cử chỉ của bà Qui-ri, bắt đầu chế
giễu một cách dí dỏm, nhẹ nhàng sự đột nhập của con em các nhà bác học
vào các phòng thí nghiệm – tuy việc đột nhập ấy rất kín đáo và có sự trông
nom chu đáo.
Một mẩu chuyện hàng ngày viết:
“Mấy cô bé, cậu bé tí hon đó đọc chưa thông, viết chưa thạo, mà đã
được tùy tiện làm các thí nghiệm, chế ra dụng cụ và thử các phản ứng hóa
học…
Trường Xoóc-bon và ngôi nhà ở phố Qui-vi-ê chưa nổ tung nhưng
nguy cơ ấy cũng chưa hết đâu!”
Sau hai năm, kiểu giáo dục trên đây chấm dứt. Các cha mẹ bận quá
không còn thì giờ để tiếp tục. Vả lại, các em phải chuẩn bị thi tú tài, cần học
kỹ những chương trình chính thức. Ma-ri cho con gái vào trường tư thục Xê-
vi-nhê, ở đây số giờ học có bớt đi khá nhiều. Chính ở trường này I-ren học
xong cấp trung học và E-vơ về sau cũng học ở đó.
Những cố gắng cảm động của Ma-ri, quyết tâm của bà muốn bảo vệ
cá tính và phẩm cách con gái từ thuở còn thơ như thế có hiệu quả không?
Nhờ cách “giáo dục tập thể” trên, I-ren, tuy không có một vốn văn học đầy
đủ, nhưng đã tiếp thu được một cơ sở khoa học bậc nhất, mà nếu chỉ học ở
bất cứ trường trung học nào, cũng không thể có được. Còn về đức dục? Nếu
nó thay đổi được sâu sắc bản chất con người thì thật là vượt quá ước mơ.
Nhưng có nhiều điểm khắc sâu vào lòng chúng tôi một cách lâu dài là lòng
ham thích làm việc, nhất là ở I-ren, một phần nào dửng dưng đối với tiền bạc
là một bản năng tự lập làm cho hai chúng tôi tin chắc rằng gặp bất cứ tình
huống nào, chúng tôi cũng biết xử sự. Còn việc khắc phục tính ưu tư phiền
muộn thì có tác dụng đối với I-ren, nhưng ít kết quả trong trường hợp E-vơ.
Mặc dầu mẹ chúng tôi cố gắng rất nhiều, những năm thơ ấu của tôi không