Vì đúng năm giờ chiều phải lên lớp. Sau bữa ăn sáng, bà vào phòng riêng ở
bến Bê-tuyn soạn bài giảng. Bà biên sẵn ra một tờ giấy đầu đề từng chương.
Khoảng bốn giờ rưỡi, bà đến nơi làm việc và lại ngồi ở một phòng nhỏ để
chuẩn bị thêm. Lúc này ai muốn gặp cũng không được.
Hai mươi nhăm năm dạy học, thế nhưng mỗi khi bước lên bục giảng
đường nhỏ, trước mặt ba mươi bảy, bốn mươi học trò, bà vẫn không khỏi
xúc động.
Một nếp hoạt động căng thẳng đáng sợ. Ma-ri còn viết báo, soạn sách
khoa học. Một quyển nói về “Sự đồng vị và chất đồng vị”, một tiểu sử Pi-e
Qui-ri xúc tích và cảm động, một quyển sách thu gọn toàn bộ bài giảng của
Ma-ri Qui-ri với một hình thức hoàn hảo.
ù
Những năm trời trong sáng và phong phú đó cũng là những năm
chiến đấu dũng cảm! Ma-ri có nguy cơ bị hỏng cả hai mắt.
Kể từ năm 1920, thầy thuốc đã báo động là cả hai mắt có triệu chứng
thành màng, và sẽ hoàn toàn không nhìn thấy gì. Ma-ri không để cho ai đoán
biết nỗi thất vọng của mình. Bà nói thẳng với hai con cái tai họa ấy và bàn
ngay đến cách chữa; độ hai, ba năm nữa sẽ mổ mắt. Từ nay nhãn mắt mờ
dần, như đặt một đám sương mù vĩnh viễn giữa bà và thế giới bên ngoài, với
công việc nghiên cứu.
Ma-ri viết cho Brô-ni-a, 10 tháng 11 năm 1920:
“Em bị rầy rà nhất về hai mắt và hai tai. Mắt kém lắm rồi, và có điều
trị chắc cũng chẳng ăn thua gì. Tai cứ ù suốt ngày, có khi đến nhức óc. Em
rất lo, công việc có thể bị trở ngại, thậm chí gián đoạn hẳn. Mấy triệu chứng
trên có lẽ do chất Ra-đi gây ra, nhưng không khẳng định hẳn đư ợc.
Đó là những nỗi buồn của em. Chị đừng nói với ai, để cho khỏi lan
ra ngoài. Thôi, ta bàn chuyện khác”.
“Đừng nói với ai”, với I-ren và E-vơ, Ma-ri cũng dặn như thế, với các
anh chị, với anh ruột là những người tâm sự duy nhất của mình. Ma-ri chỉ có
một lo ngại là, nếu không giữ kín, để tin này lan ra, và một ngày kia, báo sẽ
đăng “Bà Qui-ri bị tàn phế”.