Hai bác sĩ điều trị cho bà Qui-ri, cũng lo như vậy. Người bệnh lấy
một tên khác. Đó là bà Ca-rê nào đó bị mắt có màng. Và mỗi lần E-vơ vào
hiệu thuốc hỏi mua kính, cũng là mua cho bà Ca-rê đó thôi.
Ma-ri viết cho E-vơ ngày 13 tháng 7 1923:
“Mẹ định đi mổ mắt vào ngày 18, sáng thứ tư. Con chỉ cần về từ tối
hôm trước. Với cái nóng khủng khiếp này e rằng con mệt. Con nói hộ với
bạn bè ở Lác-cu-ét rằng mẹ đang bận về một cuốn sách mà hai mẹ con ta
cùng làm, do đó mẹ cần đến con vì người ta giục gấp.
Mẹ hôn con
Nói càng ít càng hay con nhé!”
Những ngày nóng nực nằm bệnh viện, E-vơ phải bón súp bằng thìa
cho bà Ca-rê im lặng, đầu quấn toàn băng. Mối lo ngại bệnh có thể trở chứng
gây xuất huyết, hàng tuần lễ làm tiêu tan hy vọng khỏi bệnh.
Hai lần mổ mắt nữa vào tháng ba 1924. Một lần thứ tư vào năm
1930. Vừa mới được tháo băng, Ma-ri đã tập dùng đôi mắt không bình
thường, đã mất nhân, không còn điều tiết được nữa.
Ma-ri viết cho E-vơ , từ nơi điều dưỡng ở Ca-va-le vài tháng sau lần
mổ thứ nhất:
“Mẹ cố tập đi lại không dùng kính có tiến bộ. Đã hai lần đi chơi núi,
đường hiểm, sỏi đá gập ghềnh, thế mà vẫn bước nhanh, không có chuyện gì.
Cái khó khăn hiện nay là cứ nhìn một hóa hai, thành thử không nhận ra
được ai đến gần. Mỗi ngày mẹ tập đọc và tập viết. Đến nay việc đó còn khó
hơn tập đi. Có lẽ con sẽ phải giúp mẹ biên soạn bài cho Bách khoa Toàn thư
Anh quốc”.
Dần dần Ma-ri đã thắng số mệnh. Nhờ đeo thêm kính to bà đã có thể
nhìn gần như bình thường, đi ra phố một mình, lái xe lấy và ở phòng thí
nghiệm lại làm được việc cân đo tỉ mỉ. Một sự kỳ diệu của bà! Ma-ri lại thoát
khỏi bóng tối, lại có đủ ánh sáng để làm việc, làm việc cho đến hết đời.
Một bức thư nhỏ, Ma-ri viết cho Brô-ni-a, từ tháng chín 1927, cho bà