- Đúng thế. Vậy thì, chị nhỉ, cứ dạy tư nửa rúp một giờ thì chẳng bao
giờ chúng mình thoát khỏi cảnh này. Thế thì sao ta không thể kết hợp với
nhau. Nếu cứ phấn đấu riêng rẽ thì chả người nào đi được. Nhưng bằng theo
cách em tính thì chỉ vài tháng nữa, sang thu, chị có thể lên tàu đi Pháp.
- Ma-ni-a, em điên à?
- Không. Bước đầu, chị hãy tiêu tiền của chị. Em sẽ thu xếp gửi tiền
cho chị sau. Và cả cha nữa. Đồng thời, em gây vốn để rồi cũng đi học. Khi
chị đã ra bác sĩ, sẽ đến lượt em đi. Lúc ấy, chị sẽ giúp em.
Brô-ni-a nước mắt lưng tròng, ý nghĩa của đề nghị này cao cả làm
sao! Nhưng còn một điểm chưa rõ trong chương trình vừa phác ra.
- Chị chưa hiểu. Làm thế nào em có thể vừa kiếm được đủ ăn cho
mình, kiếm thêm giúp chị mà lại còn để dành được nữa?
- Đúng thế! Ma-ni-a khẽ đáp – Đó chính là “Cách” của em. Em sẽ
làm cô giáo dạy tư. Ăn, ở mặc do chủ nhà chịu. Mỗi năm được bốn trăm rúp,
hoặc hơn nữa. Như vậy chẳng phải mọi việc đều ổn hay sao?
- Ma-ni-a, Ma-ni u-a yêu dấu của chị!
Chẳng phải Ma-ni-a chọn cái nghề phụ thuộc ấy mà Brô-ni-a cảm
động. Cô cũng theo thuyết lý tưởng như em gái , coi khinh những thành kiến
của xã hội. Không... Cô xúc động khi nghĩ rằng vì muốn cho chị được học,
ngay từ bây giờ Ma-ni-a phải tự ghép mình vào một cái nghề không hứng
thú gì và phải khổ tâm chờ đợi. Vì thế cô cưỡng lại:
- Nhưng tại sao người đi trước lại là chị? Sao không đổi ngược? Em
có năng khiếu, có thể còn hơn cả chị.
Ồ, Brô-ni-a, chị còn hỏi tại sao à? Thì tại chị đã hai mươi, mà em mới
mười bảy. Tại chị đã giẫm chân tại chỗ hằng bấy lâu rồi, mà em, em còn
nhiều thời gian. Cha cũng bảo: đứa nhớn cần đi trước. Khi đã mở phòng
khám bệnh, chị sẽ thừa tiền để giúp em. Nghĩa là em mong như thế. Có vậy,
chúng ta mới làm được một việc thông minh, thiết thực.
*